Tài liệu hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp một. Giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học trẻ em phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức. Đây là điểm khởi đầu cho việc học tập có chủ đích. Sự khởi đầu này có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập và nhận thức xã hội trong tương lai của mỗi đứa trẻ.
HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH CHUẨN BỊ CHO TRẺ 5 TUỔI SẴN SÀNG VÀO LỚP MỘT
I. Mục tiêu Chuẩn bị hành trang cho trẻ 5 6 tuổi tự tin bước vào lớp 1
– Giúp giáo viên biết để chủ động hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng cho trẻ vào lớp Một về nội dung và cách thức phối hợp.
– Giúp giáo viên nắm được những yêu cầu cơ bản và các nội dung quan trọng để hướng
dẫn phụ huynh chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một: Chuẩn bị về thể chất; phát triển nhận thức; phát triển tình cảm, kĩ năng – quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ, việc học đọc, học viết và giao tiếp.
– Giúp phụ huynh nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp Một và vai trò của phụ huynh trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 cũng như nội dung, cách thức phụ huynh chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một.
– Xây dựng mối quan hệ tích cực, thống nhất giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và phụ huynh, từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm và sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chuẩn bị cho trẻ những điều kiện và các kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng đi học lớp Một.
Bồi dưỡng thường xuyên hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp một
Nguyên tắc khi chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng cho trẻ vào lớp Một
– Phụ huynh không dạy trước chương trình lớp Một cho trẻ (dạy đọc, viết, làm tính
toán…);
– Đảm bảo tính toàn diện: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mĩ và một số năng lực, tính cách chuyên biệt để chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một; đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, kết quả mong đợi trong Chương trình Giáo dục mầm non;
– Các nội dung, hoạt động, cách thức hướng dẫn phụ huynh cần phù hợp với điều kiện gia đình, với trẻ trong thời gian ở nhà.
Nội dung hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp một:
Rèn cho trẻ thói quen và một số kĩ năng cần thiết. Thông qua các hoạt động hàng ngày, phụ huynh dành thời gian để rèn cho trẻ các kỹ năng trong cuộc sống.
Thói quen và kỹ năng khi ăn uống:
Hướng dẫn Phụ huynh thường xuyên rèn và hình thành cho trẻ có thói quen văn minh. Chủ động, tự lập trong ăn uống để thích nghi với môi trường ở Tiểu học khi không có sự hỗ trợ nhiều của cô giáo như:
– Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn; tự xúc ăn, ăn xong tự cất bát thìa, súc miệng; không nói chuyện, không đi lại hay đùa nghịch trong khi ăn; tạo cho trẻ thói quen ngồi ăn vào vị trí quy định cùng gia đình;
– Rèn cho trẻ thói quen ăn uống gọn gàng, sạch sẽ, biết nhặt thức ăn rơi vãi, biết tự lau
miệng, vệ sinh sạch sẽ sau khi trẻ ăn, uống xong;
*Ví dụ: Hướng dẫn trẻ một số kỹ năng tự uống nước: Phụ huynh hướng dẫn trẻ cách cầm ly, đưa tay dưới vòi nước, dùng tay gạt vòi. Nhắc nhở trẻ chỉ được lấy đủ lượng nước để uống, giúp trẻ biết tiết kiệm, không lãng phí. Sau khi trẻ uống xong nhắc nhở trẻ cất ly vào
đúng vị trí quy định
– Rèn cho trẻ có thói quen chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ ăn uống cùng gia đình và cất dọn sau khi ăn. Ví dụ: Sắp xếp bàn ăn, lấy bát, thìa, đũa,… trước khi ăn; ăn xong tự cất bát, thìa, thu dọn bàn ăn,….
Thói quen và kỹ năng vệ sinh:
Phụ huynh cần nhắc trẻ biết xin phép đi vệ sinh khi có nhu cầu; đi vệ sinh đúng nơi quy định; hướng dẫn trẻ có một số kỹ năng tự vệ sinh sau khi tiểu tiện, đại tiện (rửa, lau khô…); biết rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn;
biết mở và đóng vòi nước khi rửa tay…
Thói quen và kỹ năng tự phục vụ:
Hướng dẫn Phụ huynh hàng ngày cần rèn cho trẻ một số kỹ năng sau:
– Kỹ năng vệ sinh cá nhân (tự đánh răng, rửa mặt, chải đầu, buộc tóc,…);
– Rèn cho trẻ có kỹ năng biết thay, mặc, cởi, treo hoặc gấp quần áo; biết chuẩn bị và cất gọn đồ dùng trước và sau khi ngủ dậy (lấy chăn, gối; gấp chăn, biết tự đắp chăn khi lạnh…) để khi vào lớp Một trẻ biết và chủ động thực hiện trong các hoạt ở trường;
*Ví dụ: Hướng dẫn bé cởi bỏ balo xuống, để mặt balo hướng lên phía trước, sau đó để balo
vào đúng ngăn của mình gọn gàng, không để balo rơi ra ngoài; để giày dép đúng nơi quy
định, cần cho bé biết đâu là vị trí để giày của mình, biết cách để giày lên kệ và hướng mũi
giày ra ngoài…;
khi trẻ cảm thấy trời nóng trẻ nghĩ đế việc bỏ nón, cởi bớt áo…; kỹ năng mặc và cởi áo: Chuẩn bị cho bé 1 chiếc áo, hướng dẫn bé trải áo lên bàn, đưa tay trái cầm ống tay phải, tay phải luồn vào ống tay trái, sau đó đứng lên cài khuy áo từ dưới lên, gấp quần áo cất đi.
– Rèn cho trẻ biết xếp đồ chơi sau khi chơi xong, cất sách, chuyện sau khi “đọc”, biết cách tự sắp xếp góc riêng của mình (góc chơi, góc học tập…), để hình thành cho trẻ thói quen gọn gàng, ngăn nắp khi trẻ vào lớp Một.
– Rèn tính gọn gàng, ngăn nắp: Trẻ biết cách tự sắp xếp góc riêng của mình, nếu bày
ra thì phải dọn…
– Tập cho trẻ biết tự chuẩn bị đồ dùng, phương tiện cá nhân trước khi đi học Phụ huynh luôn luôn chú ý quan sát và tham gia cùng trẻ để trẻ tự tin hơn thực hiện mọi việc phục vụ cho bản thân, biết giúp đỡ mọi người xung quanh là điều kiện thích ứng với cuộc sống sau này của trẻ. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hình thành nhân cách cho trẻ, giáo viên hướng dẫn phụ huynh nên nhẫn nại trả lời các câu hỏi của trẻ, đừng bao giờ trả lời rằng “con còn nhỏ, lớn lên tự nhiên con sẽ biết” trả lời hết các câu trẻ hỏi giúp trẻ bày tỏ suy nghĩ, tính tò mò ham tìm hiểu của trẻ, trả lời trẻ, tạo sự gần gũi với trẻ, tạo hứng thú cho trẻ quan sát mọi vật xung quanh và khả năng sáng tạo của trẻ sau này.
Phụ huynh không nên làm hộ trẻ, nếu làm hộ trẻ sẽ tạo cho trẻ thói quen ỷ lại, không
biết tự phục vụ, trẻ sẽ vụng về, chậm chạp trong các hoạt động sau này. Phụ huynh chỉ gợi
ý, hướng dẫn cho trẻ, mỗi ngày làm một hoạt động nhỏ, lặp đi, lặp lại sẽ giúp cho trẻ có
được các kỹ năng cần thiết để tự phục vụ bản thân.
Thói quen, kỹ năng nhận biết và xử trí tình huống, tránh nơi nguy hiểm
Hướng dẫn Phụ huynh trẻ rèn cho trẻ không chơi gần hồ, ao, sông, suối một mình; không sờ vào các thiết bị điện, nước sôi, thức ăn nóng; không tự sử dụng những dụng cụ sắc nhọn mà cần có sự hướng dẫn của người lớn để trẻ làm quen; không chơi dưới lòng đường, không chạy ra đường; không thò đầu, tay ra khỏi cửa xe ô tô, biết chấp hành luật giao thông; không nhận thức ăn, quà từ người lạ, không đi theo người lạ, khôngmở cửa cho người lạ; biết tránh xa những nơi nguy hiểm (các công trình đang xây dựng, nơi xảy ra hỏa hoạn, trạm biến áp, cột điện…).
Hướng dẫn Phụ huynh giáo dục giới tính cho trẻ. Dạy trẻ nhận biết “vùng đồ bơi”; quy tắc “5 ngón tay” và biết cách bảo vệ, vệ sinh vùng kín; hướng dẫn bé gái cách ngồi, cách nằm khi mặc váy; giáo dục trẻ không để người khác nhìn thấy “vùng đồ bơi”; không nhìn, sờ vào “vùng đồ bơi” của người khác và không cho người khác nhìn thấy, sờ vào “vùng đồ bơi” của mình. Trẻ biết tự bảo vệ bản thân bằng cách hét to, giãy giụa hoặc từ chối khi bị xâm hại.
Phụ huynh dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay
Rèn cho trẻ biết cách báo cho cha mẹ, người thân hoặc gọi điện thoại trong tình huống khi gặp nguy hiểm. Ví dụ: dọa, xua đuổi, muốn người lạ nghe thấy thì nói to, rõ ràng; khi đang ẩn nấp tránh kẻ trộm đột nhập hoặc người nguy hiểm mà mình nghi ngờ thì gọi khẽ, chỉ đủ cho người lớn nghe thấy.
Dạy trẻ biết từ chối những người có thể gây nguy hiểm để tự vệ như: Không mở cửa cho người lạ, không ăn hay uống bất cứ vật gì từ người lạ, không đi theo người lạ, không đưa thứ gì của mình theo yêu cầu của họ, không nói tên, số điện thoại của phụ huynh hoặc cô giáo cho người lạ…
Hướng dẫn phụ huynh giúp trẻ nhận biết được mối nguy hiểm và kĩ năng tự bảo vệ bản thân khi bị người khác tấn công, khi tiếp xúc với người say rượu, biết tìm kiếm sự trợ giúp
trong những hoàn cảnh nguy hiểm: người phóng nhanh vượt ẩu, bị bắt cóc, tống tiền, khi
có cháy, bị kẹt thang máy hay bỏ quên trên ô tô, bị ấu dâm…
Dạy cho trẻ khi tan học ở trường đứng ở một nơi mà phụ huynh và trẻ đã quy ước để chờ cha mẹ đến đón (Ví dụ: Con hãy đứng ở góc thư viện nhà trường sau khi tan học để đợi bố mẹ đến đón nhé!). Phụ huynh cần dạy trẻ tuyệt đối không tự ý đi về nhà 1 mình. Không đi theo người quen, bạn về nhà khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh.
Chuẩn bị tâm thế cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một:
Phụ huynh khơi gợi, tạo hứng thú cho trẻ, làm cho trẻ thích đến trường, thích đi học;
*Ví dụ: Khi đón con đi học về, phụ huynh nên bắt đầu bằng những câu hỏi như: Ở trường
hôm nay có gì vui? Điều gì làm con thích thú?… Sau đó khơi gợi hứng thú… nếu sau này
vào lớp Một con sẽ được biết nhiều hơn… có nhiều bạn mới… con sẽ trở thành Anh/ chị
của các em nhỏ…
Vào những lúc rảnh rỗi, phụ huynh hãy chở con đến tham quan trường tiểu học, giới thiệu cho trẻ về ngôi trường trẻ sắp tham gia học, điều này sẽ giúp trẻ không còn bỡ ngỡ trong ngày đi học đầu tiên vào lớp Một; kể những câu chuyện thú vị về trường Tiểu học để khơi dậy sự tò mò để trẻ háo hức và mong muốn được đến trường; không lấy trường tiểu học là nơi để dọa nạt trẻ;
Phụ huynh đưa trẻ đến trường tiểu học mà con sắp tới sẽ vào học
Mua một số đồ dùng, dụng cụ học tập của trường tiểu học để cho trẻ làm quen (cặp sách, vở ô li, bút chì, bút mực, phấn, bảng, thước kẻ…);
Tạo cho trẻ tính tự tin, kiên nhẫn, biết chờ đợi và chú ý trong khoảng thời gian nhất định để hoàn thành nhiệm vụ được giao (trong đó có nhiệm vụ học tập); tạo lập cho con một không gian học gọn gàng, sạch sẽ, hãy để con tự lựa chọn bàn học, tủ sách theo sở thích, từ đó con sẽ thích ngồi vào bàn học và luôn có ý thức giữ gìn, chăm chút cho góc học tập của mình.
Phụ huynh có thể trò chuyện với con nếu sau này con đi học con sẽ trở thành nhà khoa học, bác sĩ, cô giáo… để hình thành động cơ ở trẻ, giúp trẻ có lòng ham muốn học, phấn
đấu học.
Vì vậy, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học lớp Một cho trẻ, giúp trẻ thành công ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của lớp Một, để trẻ tự tin và thích được đi học lớp Một.
Phụ huynh tuyệt đối không gây áp lực cho trẻ mà phải nhẹ nhàng, ân cần, gần gũi, tạo cho trẻ tâm lí mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ngoài ra cũng cần khen trẻ, khuyến khích đúng lúc có tác dụng tích cực giúp trẻ tự tin hơn khi đến trường.
Phụ huynh rèn luyện tính tập trung chú ý cho trẻ. Có thể giao cho con những việc cần sự kiên nhẫn thông qua các trò chơi, yêu cầu trẻ hoàn thành đúng theo thời gian quy định. Xây dựng cho trẻ một góc học tập gọn gàng, đẹp mắt phù hợp với điều kiện sẵn có của gia đình nhằm giúp trẻ thích thú với việc ngồi vào bàn học.
Chuẩn bị cho trẻ về thể chất:
Phụ huynh cần dành thời gian vận động cùng trẻ; thời gian vận động vào thời điểm thích hợp (buổi sáng, sau khi ngủ dậy; buổi chiều tối, sau khi trẻ đi học về…). Cho trẻ tập các động tác, trò chơi vận động phù hợp với độ tuổi và có sự hướng dẫn, quan sát của người lớn.
Tại sao nói rằng việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ 6 tuổi đến trường phổ thông là rất cần thiết
Ví dụ: Cho trẻ tập theo một số bản nhạc, bài hát mà trẻ hứng thú (có trong video hoặc băng đĩa); các động tác hô hấp và các bài tập theo nhóm cơ (đầu cổ, tay vai, lườn bụng, chân…), tập Aerobic,…; cho trẻ chạy nhẹ nhàng, đạp xe đạp hoặc đi bộ trong thời gian, quãng đường phù hợp; cho trẻ chơi một số trò chơi dân gian (kéo co, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba…), chơi thả diều, đá bóng, tung bóng…
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chuẩn bị về phẩm chất thể lực cho trẻ cụ thể là khả năng học tập trong một thời gian nhất định, làm việc khéo léo, bền bỉ, dẻo dai, nhanh nhẹn, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tinh nhạy của các giác quan…
Để có được các phẩm chất đó, phụ huynh cần xây dựng và thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập…cho trẻ một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ; tổ chức một cách khoa học các hoạt động chơi và hoạt động học.
Chuẩn bị về ngôn ngữ cho trẻ:
Đây là tiền đề quan trọng chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp Một, không gây trở ngại việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Chuẩn bị ngôn ngữ cho trẻ khi đi học lớp Một vô cùng quan trọng và đảm bảo hai yêu cầu:
- Thứ nhất, trẻ phải diễn đạt cho người khác hiểu;
- Thứ hai, phải hiểu được người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ.
Phụ huynh nên rèn luyện trẻ kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Trong giao tiếp, việc giúp trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ rất quan trọng cho việc trẻ học đọc, học viết khi vào lớp Một. Thực tế cho thấy, trẻ muốn học tốt các môn học khi vào lớp Một, thì trước tiên phải giỏi môn tiếng Việt.
Vì vậy, phụ huynh thường xuyên tập cho trẻ nói đủ câu thông qua giao tiếp với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh trẻ; phụ huynh nên nói chuyện nhiều với con để con có môi trường phát triển ngôn ngữ; đọc thơ, ca dao, đồng dao, kể chuyện cho con nghe; cho trẻ xem truyện tranh, đặc biệt là các truyện tranh có hình vẽ to và đẹp về đất nước Việt Nam, đọc cho trẻ nghe các câu chuyện ngắn.
Sau đó, phụ huynh yêu cầu trẻ kể lại chuyện bằng ngôn ngữ riêng của trẻ, trẻ có thể giở lại từng trang và đọc đúng hàng chữ ở dưới tranh giống như trẻ biết chữ thật. Điều này rất cần thiết cho trẻ khi tri giác tranh ảnh để có vốn biểu tượng phong phú về cuộc sống, phát triển ngôn ngữ, cho trẻ làm quen nhớ dần các chữ cái, chữ số… điều đó sẽ giúp trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ học lớp Một .
Chuẩn bị cho việc học “đọc”:
Phụ huynh cho trẻ nhận biết và phát âm chữ cái qua tranh, ảnh, bảng chỉ dẫn đồ dùng,
dụng cụ trong gia đình…; dạy cho trẻ biết nói cả câu, phát âm đúng các âm, các tiếng, các
từ, câu ngắn.
Bước đầu hình thành ở trẻ kĩ năng đọc. Trẻ biết đọc 29 chữ cái Tiếng Việt. Cho trẻ làm
quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên trẻ, gọi tên một số đồ vật
được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng như bút chì,
thước kẻ, sách, vở…
Xem thêm: Cách dạy bé 5 tuổi học bảng chữ cái và những điều bạn nên tránh
Dạy trẻ cách mở sách, đọc sách: Đọc từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, cách lật mở
từng trang sách. Đọc từ trang đầu đến trang cuối của quyển sách. Nhận biết số trang trong
quyển sách. Phụ huynh nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, có thể sử dụng các giờ như dạo chơi ngoài trời, trước giờ ăn…. Khi trẻ nghe và nhìn cách mẹ đọc sách trẻ có thể học được những kiến thức từ nội dung sách, hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn và bảo vệ sách.
Ngoài việc đọc sách cho trẻ nghe phụ huynh cần tạo được một góc sách truyện nhỏ trong gia đình để khơi gợi cho trẻ lòng ham muốn “đọc” sách. Trẻ có thể nhìn sách, tự “đọc” – kể câu chuyện sáng tạo theo tranh vẽ theo trí tưởng tượng của bản thân. Phụ huynh cần cho trẻ được tiếp cận với nhiều loại sách có hình ảnh sinh động, cuốn hút ngay từ trang bìa để tạo sự hứng thú cho trẻ. Thông qua việc “đọc” sách trẻ khám phá các kí hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ nhận biết, đọc chữ cái ở mọi lúc, mọi nơi kể cả lúc đi dạo chơi, đi tham quan. Cho trẻ tập cách ghép vần, ghép từ đơn giản như tên các con vật, tên của bản thân…
Chuẩn bị cho việc học “viết”:
Phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ tập tô, đồ các chữ cái, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình, tô, đồ, nặn, vẽ, xếp chữ cái ở bất cứ thời điểm, điều kiện thích hợp; dạy trẻ tư thế ngồi, cầm bút đúng cách, làm quen với cách tô, cách viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Phụ huynh giúp trẻ tự nhận ra tên của trẻ được viết trên giấy hay bảng.
Nên cho trẻ làm quen chữ qua hình ảnh hoặc trò chơi để giúp trẻ dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Phụ huynh có thể sử dụng nhiều trò chơi để giúp trẻ làm quen chữ cái như:
- Tìm chữ cái đã học qua trò chơi tìm đúng nhà;
- Chữ cái gì biến mất;
- Bù chữ còn thiếu;
- Gạch chân chữ cái;
- Đồ chữ;
- Sao chép chữ;
- Ô chữ bí mật;
- Uốn hình chữ cái bằng dây thép mỏng bọc giấy bạc;
- Tạo chữ cái bằng tay;
- Luyện phát âm thông qua thơ, đồng dao, ca dao, câu chuyện.
*Ví dụ: Cho trẻ dùng cây, que, gạch, phấn tô “vẽ” chữ cái trên nền nhà, sân nhà, dùng sỏi,
hột hạt, …xếp chữ, dùng đất, bột mì nặn chữ…
Ở nhà phụ huynh có thể ôn lại những bài học đó cho con hoặc bằng những thực tiễn cuộc sống hằng ngày phụ huynh giúp trẻ học bảng chữ cái Tiếng Việt.
*Lưu ý: Khi hướng dẫn phụ huynh dạy cho trẻ cách đọc, cách viết tại gia đình, tránh trường
hợp giáo viên dạy chữ đúng phụ huynh lại dạy chữ chưa đúng như: Chữ x đọc là “xờ”, chữ s đọc là “sờ”, nhưng có phụ huynh lại đọc là “ích xì” hay “ét xì”; Hay chữ l, n, lại đọc là “e lờ” hay “en nờ”…
Chuẩn bị cho trẻ về kiến thức:
Chuẩn bị về kiến thức cho trẻ giai đoạn lứa tuổi mầm non có một ý nghĩa quan trọng đối với việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học cũng như tập cho trẻ làm quen với những sinh hoạt gần gũi với hoạt động học tập. Vì vậy, trẻ cần phải có sự rèn luyện về các thao tác trí tuệ, có sự hiểu biết vể bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian đồng thời có kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phân tích, tổng hợp….
Cho trẻ nhận biết một số kiến thức về toán sơ đẳng:
Phụ huynh dạy trẻ nhận biết, đếm thành thạo đến 10, biết so sánh, thêm bớt tạo nhóm có số lượng 10, phân chia, tách, gộp 10 đối tượng thành 2 nhóm và biết kết quả các nhóm; nhận biết các chữ số 1 – 10 và các số liền trước, liền sau, cung cấp cho trẻ biết … thông qua các đồ dùng, phương tiện… trong gia đình;
Ví dụ: Cho trẻ đếm số bát, thìa, ghế, số quả…. trong bữa ăn gia đình; biết chia kẹo cho mình và anh, chị, em, bố, mẹ… đếm số hoa trong bức tranh trên tường nhà, trong vườn… Giúp trẻ nhận biết một số hình, khối (tròn, vuông, tam giác, chữ nhật, khối trụ…).
Trong sinh hoạt hàng ngày, phụ huynh rèn cho trẻ khả năng định hướng trong không gian và thời gian; xác định vị trí trong không gian (trên – dưới, trước – sau, phải – trái) bản thân mình và đối tượng khác; xác định được thời gian (hôm nay – hôm qua – ngày mai; các thời điểm trong ngày: sáng – trưa – chiều tối; các thứ trong tuần; các ngày trong tháng; các tháng trong năm…); biết ước tính quá khứ, hiện tại và tương lai (biết được “bây giờ”, “lát nữa”, “hôm qua”, “hôm nay”, “ngày mai” “năm ngoái”, “năm nay” “sang năm”…). Giúp cho trẻ một số kiến thức về đo lường (cao – thấp, dài – ngắn,… ).
*Ví dụ: Bố mẹ cao hơn trẻ, hoặc cạnh chiếc bàn dài hơn cạnh chiếc ghế…
Cho trẻ nhận biết một số kiến thức khoa học, tự nhiên, xã hội:
Phụ huynh giúp cho trẻ nhận biết về các sự vật, hiện tượng xung quanh như nắng, mưa, nóng, lạnh; các mùa trong năm (xuân, hạ, thu, đông)…; Dạy trẻ biết các bộ phận của cơ thể người; tìm hiểu về động vật, thực vật, một số hiện tượng tự nhiên; khám phá về xã hội: tìm hiểu về bản thân, gia đình, họ hàng cộng đồng, thứ bậc trong gia đình, một số nghề phổ biến trong xã hội, các danh lam thắng cảnh và các ngày hội, ngày lễ trong năm…
Chuẩn bị cho trẻ về mặt tình cảm – xã hội:
Sự phát triển các mặt tình cảm – xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Chính việc phát triển tính tự tin, tự trọng, thực hiện nhiệm vụ
một cách độc lập; khả năng tập trung, chấp hành những quy định chung và sự chỉ dẫn của
người lớn (phù hợp với lứa tuổi của trẻ) là vô cùng thiết yếu giúp trẻ học tập tốt ở trường
phổ thông sau này. Khi trẻ tự tin vào chính bản thân mình, trẻ sẽ học được cách chủ động
độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ đến cùng. Vì vậy, hãy để trẻ tự làm và người lớn
chúng ta là người khích lệ trẻ.
Phụ huynh giúp cho trẻ ý thức về bản thân như đặt các câu hỏi để kích thích trẻ biểu lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua tranh ảnh, hình vẽ, thơ, truyện; khuyến khích trẻ chơi phân vai với các bạn hàng xóm cùng lứa tuổi; hướng dẫn cho trẻ có thói quen tự phục vụ bản thân.
Thường xuyên nhắc nhở trẻ ý thức và thái độ cư xử phù hợp đối với người thân trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em, chú, bác và những người xung quanh….. Dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ, ứng xử với mọi người xung quanh lễ phép, kính trọng người lớn, đoàn kết thân ái với bạn bè, thông cảm thương xót những người bất hạnh, biết được vị trí
của mình trong gia đình và trong xã hội (là con ai, cháu ai, em hay anh chị của ai, là học
sinh lớp nào…) và cách ứng xử phù hợp với vai trò của mình.
Dạy con biết chơi hòa đồng với các bạn. Phụ huynh nên nhắc nhở con chơi hòa đồng với các bạn, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn ngay từ khi còn nhỏ để con luôn được sống trong tập thể, không bị tách biệt.
Giáo dục hành vi và quy tắc ứng xử xã hội trong sinh hoạt ở gia đình, cộng đồng gần gũi như giáo dục trẻ biết quan tâm bảo vệ môi trường, nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật và hiện tượng xung quanh…
Phát triển thẩm mỹ cho trẻ:
Phụ huynh giáo dục cho trẻ biết cảm thụ cái đẹp thông qua trang phục, đồ dùng đồ chơi, phong cảnh thiên nhiên nơi mình đang sống hoặc những nơi mà trẻ được đến…;
- Cho trẻ vẽ theo ý thích, tô màu mà chúng thích;
- Cho trẻ cắm hoa, trang trí nhà cửa, phòng riêng của trẻ;
- Cho trẻ nghe, hát các bài hát phù hợp với lứa tuổi…
Kiểm tra, đánh giá:
– Thường xuyên có sự tương tác, trao đổi, thống nhất giữa phụ huynh – giáo viên phụ trách lớp thông qua hệ thống phát thanh của địa phương, của nhà trường; qua website, tài khoản youtube, trang facebook của nhà trường; trao đổi qua điện thoại, tin nhắn riêng với từng phụ huynh về tình hình của mỗi trẻ;
– Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần phản hồi thông tin kịp thời khi có nội dung trao đổi với tinh thần luôn sẵn sàng hợp tác, phối hợp và trao đổi nhằm chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp Một;
– Có thể phản hồi qua tin bình chọn trên nhóm mỗi khi giáo viên xin ý kiến đánh giá của phụ huynh về mức độ một số tiêu chí cần đạt đối với trẻ;
– Khi trẻ đến trường, thông qua các buổi đưa, đón trẻ, phụ huynh trao đổi thông tin liên quan đến trẻ với giáo viên để nắm bắt tình hình của trẻ;
– Điện thoại nói chuyện hoặc nhắn tin trao đổi;
– Phản hồi qua nhóm zalo, facebook…;
– Xây dựng nhóm zalo, mesenger, facebook… giữa giáo viên và phụ huynh, giữa phụ huynh có con cùng độ tuổi để chia sẻ các thông tin, nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ;
– Giáo viên gửi những video hỗ trợ phụ huynh hướng dẫn trẻ những nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với yêu cầu và điều kiện của gia đình;
– Cung cấp tài liệu cho phụ huynh: Giáo viên có thể cung cấp cho phụ huynh tham khảo tài liệu “cẩm nang hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng chăm sóc và vui chơi cùng con”, tài liệu “hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục khi trẻ ở nhà”, một số video “hướng dẫn phụ huynh vui chơi cùng con”, tài liệu “hướng dẫn chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp Một”, Bộ “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” để nắm các yêu cầu đạt được trước khi vào trường tiểu học.