Chương trình giáo dục mầm non mới nhất được tiến hành nghiên cứu. Xây dựng từ năm 2002 theo quy trình khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non và đã được triển khai thí điểm ở các trường mầm non đại diện cho các vùng miền khác nhau toàn quốc. Chương trình giáo dục mầm non đã được Hội đồng thẩm định quốc gia dành nhiều thời gian xem xét và thẩm định.
Chương trình giáo dục mầm non mới được ban hành là chương trình khung. Có kế thừa những ưu việt của các chương trình chăm sóc giáo dục trẻ trước đây. Được phát triển trên các quan điểm đảm bảo sự đáp ứng đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển. Chương trình giáo dục mầm non là căn cứ cho việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ ở tất cả các sơ sở giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước.
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON
(Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục mầm non)
Phần một
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG [3]
A. MỤC TIÊU CỦA GIÁO DỤC MẦM NON
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
B. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON
1. Chương trình giáo dục mầm non là chương trình khung, có tính chất mở. Thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non và đánh giá sự phát triển của trẻ, làm căn cứ cho việc quản lí, chỉ đạo và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục mầm non.
Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, có kế thừa những ưu việt của Chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ trước đây, được phát triển trên quan điểm bảo đảm đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển.
2. Chương trình giáo dục mầm non bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo với nhau, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”.
3. Chương trình quy định những nội dung giáo dục áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở giáo dục mầm non. Giáo viên mầm non trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ em mầm non và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non.
C. YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MẦM NON VÀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ
I. YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC MẦM NON
1. Bảo đảm tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; bảo đảm tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hòa nhập vào cuộc sống.
2. Phù hợp với sự phát triển tâm lý, sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học.
II. YÊU CẦU VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MẦM NON
1. Đối với giáo dục nhà trẻ, phương pháp giáo dục phải chú trọng giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ; chú ý đặc điểm cá nhân trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tạo cho trẻ có cảm giác an toàn về thể chất và tinh thần; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật và vui chơi, kích thích sự phát triển các giác quan và các chức năng tâm lý, sinh lý; tạo môi trường giáo dục gần gũi với khung cảnh gia đình, giúp trẻ thích nghi với nhà trẻ.
2. Đối với giáo dục mẫu giáo, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ.
Kết hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế.
III. YÊU CẦU VỀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ
Đánh giá sự phát triển của trẻ (bao gồm đánh giá trẻ hằng ngày và đánh giá trẻ theo giai đoạn) nhằm theo dõi sự phát triển của trẻ, làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục. Trong đánh giá phải có sự phối hợp nhiều phương pháp, hình thức đánh giá; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ, đánh giá trẻ thường xuyên qua quan sát hoạt động hằng ngày.
D. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
I. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON
1. Cơ sở giáo dục mầm non có sứ mệnh hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ em mầm non; được giao quyền tự chủ theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non theo quy định của Điều lệ trường mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
II. CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN
1. Số lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm tối thiểu theo quy định.
2. Cán bộ quản lý, giáo viên, có trình độ được đào tạo đạt chuẩn trở lên; giáo viên được xếp loại Đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; cán bộ quản lý được xếp loại Đạt trở lên theo Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non; cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
3. Nhân viên có trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định, được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến nhiệm vụ theo vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục mầm non.
III. CƠ SỞ VẬT CHẤT, ĐỒ DÙNG, ĐỒ CHƠI, HỌC LIỆU, THIẾT BỊ DẠY HỌC
Địa điểm, diện tích, quy mô cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở vật chất và đồ dùng, đồ chơi mầm non, học liệu, thiết bị dạy học bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định có liên quan và đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
IV. XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
1. Quán triệt quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Nhà trường chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các cá nhân, tổ chức ở địa phương để huy động đa dạng các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
2. Gia đình, cộng đồng được hướng dẫn và có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm điều kiện để thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ và chế độ làm việc đối với giáo viên, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Phần hai
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NHÀ TRẺ
A. MỤC TIÊU
Chương trình giáo dục nhà trẻ nhằm giúp trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi. Phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.
I. PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
– Khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.
– Thích nghi với chế độ sinh hoạt ở nhà trẻ.
– Thực hiện được vận động cơ bản theo độ tuổi.
– Có một số tố chất vận động ban đầu (nhanh nhẹn, khéo léo, thăng bằng cơ thể).
– Có khả năng phối hợp khéo léo cử động bàn tay, ngón tay.
– Có khả năng làm được một số việc tự phục vụ trong ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân.
II. PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
– Thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.
– Có sự nhạy cảm của các giác quan.
– Có khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ và diễn đạt hiểu biết bằng những câu nói đơn giản.
– Có một số hiểu biết ban đầu về bản thân và các sự vật, hiện tượng gần gũi quen thuộc.
III. PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
– Nghe hiểu được các yêu cầu đơn giản bằng lời nói.
– Biết hỏi và trả lời một số câu hỏi đơn giản bằng lời nói, cử chỉ.
– Sử dụng lời nói để giao tiếp, diễn đạt nhu cầu.
– Có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của câu thơ và ngữ điệu của lời nói.
– Hồn nhiên trong giao tiếp.
IV. PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM, KỸ NĂNG XÃ HỘI VÀ THẨM MỸ
– Có ý thức về bản thân, mạnh dạn giao tiếp với những người gần gũi.
– Có khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc với con người, sự vật gần gũi.
– Thực hiện được một số quy định đơn giản trong sinh hoạt.
– Thích nghe hát, hát và vận động theo nhạc; thích vẽ, xé dán, xếp hình; thích nghe đọc thơ, kể chuyện….[4]
B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
I. PHÂN PHỐI THỜI GIAN[5]
Chương trình thiết kế cho 35 tuần. Mỗi tuần làm việc 5 ngày, áp dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kế hoạch chăm sóc, giáo dục hằng ngày thực hiện theo chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện của cơ sở giáo dục mầm non.
Thời điểm nghỉ hè, lễ tết, nghỉ học kỳ theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
II. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT
Chế độ sinh hoạt là sự phân bổ thời gian và các hoạt động trong ngày một cách hợp lý ở các cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lý và sinh lý của trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành những nền nếp, thói quen tốt và thích nghi với cuộc sống ở nhà trẻ.[6]
Còn tiếp xem trong tập tin đính kèm bên dưới
Tôi hiện là sinh viên trường Đại học Sài Gòn khoa mầm non. Tôi đang nghiên cứu về chương trình đạo tào đối với giáo dục mầm non. Cho tôi hỏi chương trình giáo dục mầm non được luật mới quy định như thế nào ạ?
Chương trình giáo dục mầm non và 03 yêu cầu liên quan
Căn cứ Điều 25 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) về chương trình giáo dục mầm non, cụ thể như sau:
1. Chương trình giáo dục mầm non phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non;
b) Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em;
c) Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục mầm non.
2. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để thẩm định chương trình giáo dục mầm non. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở giáo dục mầm non. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục mầm non sau khi được thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Chị tôi là giáo viên mầm non. Do trước đây các giáo viên mầm non không được đóng BHXH nên cuối năm nay chị tôi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu năm đóng BHXH. Theo chế độ của Nhà nước mới đây thì chị tôi phải làm các thủ tục để nhận sự trợ giúp của Nhà nước để có đủ số năm đóng BHXH được nghỉ hưu.
Qua chuyên mục này tôi xin nhờ bạn hướng dẫn trình tự xét duyệt đối với đối tượng như chị tôi. Xin cảm ơn.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2012 ngày 14/8/2012 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí quy định trình tự xét duyệt đối tượng hưởng hỗ trợ như sau:
Đầu quý I hàng năm, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho đối tượng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ quy định (bao gồm cả đối tượng đang công tác sẽ nghỉ việc vì hết tuổi lao động trong năm tài chính liền kề và đối tượng đã nghỉ việc nhưng chưa được hưởng hỗ trợ) viết đơn đề nghị hỗ trợ nộp cho cơ sở giáo dục mầm non nơi công tác trước khi nghỉ việc.
Cơ sở giáo dục mầm non căn cứ hồ sơ đề nghị hỗ trợ quy định tại Thông tư 28 để duyệt, ký xác nhận tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn đề nghị hỗ trợ của người được hưởng hỗ trợ; chậm nhất ngày cuối cùng của quý I hàng năm, cơ sở giáo dục mầm non hoàn thành việc xác nhận đơn của người được hưởng hỗ trợ và lập danh sách gửi Phòng GD-ĐT.
Trường hợp nếu cơ sở giáo dục mầm non trực thuộc Sở GD-ĐT hoặc cơ quan, ngành khác thì nộp hồ sơ về Phòng GD-ĐT địa phương để xét duyệt, tổng hợp theo địa bàn; trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị hưởng hỗ trợ và đơn của người được hưởng hỗ trợ, Phòng GD-ĐT phối hợp với cơ quan BHXH cấp huyện, tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp huyện) xét duyệt.
Trường hợp có đối tượng phải xác minh thì chậm nhất sau 20 ngày làm việc, Phòng GD-ĐT hoàn thành việc xác minh và phối hợp với cơ quan BHXH cấp huyện để thẩm định danh sách đề nghị hưởng hỗ trợ, trình Chủ tịch UBND cấp huyện xét duyệt. Trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Phòng GD-ĐT, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt danh sách người được hưởng hỗ trợ và chuyển Phòng GD-ĐT để chuyển đến cơ quan BHXH cấp huyện kèm theo đơn đề nghị hỗ trợ của người được hưởng hỗ trợ để theo dõi và tổ chức thực hiện.
Từ quy định trên thì chị bạn làm đơn đề nghị theo mẫu nhà trường hướng dẫn và các thủ tục hồ sơ là do nhà trường lập và gửi các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo trình tự như luật gia đã nêu.
Trước đây, có quá nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ con ở các nhà trẻ. Theo tôi được biết Luật Giáo dục mới được ban hành có quy định về vấn đề này. Bạn có thể cho tôi biết Luật mới này quy định như thế nào về yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non?
Căn cứ Điều 24 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020), yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non được quy định như sau:
1. Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học.
2. Phương pháp giáo dục mầm non được quy định như sau:
a) Giáo dục nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, tạo sự gắn bó giữa người lớn với trẻ em; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý;
b) Giáo dục mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Theo quan điểm của tôi thì giáo dục mầm non là không quan trọng vì nếu gia đình có trẻ nhưng không có thời gian quản lý chúng hoặc nếu một số gia đình có điều kiện, có mong muốn cho con trẻ biết trước một số điều cơ bản thì mới cho trẻ đi học mầm non.
Quan điểm của tôi đúng hay sai, giáo dục mầm non có bắt buộc không? Từ đó, Ban biên tập có thể cho tôi biết: Vị trí, vai trò của giáo dục mâm non được luật giáo dục 2019 ghi nhận như thế nào?
Căn cứ Khoản 8, 9 Điều 5 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020), quy định cụ thể như sau:
Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.
Giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau về phổ cập và giáo dục bắt buộc:
Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
Như vậy, giáo dục mầm non không phải là giáo dục bắt buộc.
Căn cứ Điều 23 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) về vị trí, vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non, cụ thể như sau:
1. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.
2. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Trân trọng!