Trẻ mầm non chưa biết đọc song việc cho làm quen với sách mang đến nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ. Để tạo hứng thú cho trẻ trong việc làm quen với sách, việc kiến tạo không gian cho trẻ làm quen với sách phù hợp với đặc điểm của trẻ là rất cần thiết. Thư viện và các góc đọc sách trong trường mầm non là không gian văn hóa trường học, là môi trường nuôi dưỡng thói quen đọc, khơi dậy nhu cầu được tìm hiểu, khám phá của trẻ, thúc đẩy sự sẵn sàng học tập của trẻ từ mầm non sang cấp tiểu học.
Có một câu nói của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, Anbe Anxtanh từng nói: “Nếu bạn muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích”. Thực tế cho thấy, cuộc sống hiện nay có nhiều áp lực nên đa số bố mẹ đã bỏ qua thói quen đọc sách cùng con, kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích vào mỗi tối. Và trẻ mầm non yêu thích việc đọc sách ngày càng ít hơn mà thay vào đó là những hàng công nghệ như điện thoại, ipab.
VÌ SAO CẦN XÂY DỰNG GÓC THƯ VIỆN VÀ CHO TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI VIỆC ĐỌC SÁCH?
Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rằng cho trẻ mầm non làm quen với việc đọc sách sẽ đem lại những lợi ích vô cùng quý giá và thông qua đọc sách sẽ giúp các con lĩnh hội được nhiều kiến thức của thế giới. Hãy truyền tình yêu ham đọc sách cho trẻ bằng cách kể chuyện cho trẻ nghe ngay từ khi còn bé, để trẻ trở nên thông minh hơn.
(Hình ảnh góc thư viện lớp 5-6 tuổi)
Chính việc đọc sách sẽ giúp trẻ mầm non phát triển não bộ và xây dựng những nơ ron “ngôn ngữ” một cách hiệu quả nhất, việc đọc sách giúp trẻ mầm non sẽ có rất nhiều những lợi ích như:
- Giúp con cảm nhận được sự gắn kết, mối quan hệ mật thiết và hạnh phúc của bố mẹ và con.
- Việc tạo thói quen cho trẻ đọc sách sẽ trở thành một trải nghiệm đầy thích thú, giúp bé tạo dựng thái độ tích cực đối với việc đọc khi bé lớn lên.
- Đọc sách giúp tính tình con được giữ bình tĩnh hơn và thúc đẩy sự giao tiếp giữa bố mẹ và con.
- Thông qua cuộc hội thoại, những mẫu chuyện mà ba mẹ đã kể. Sẽ giúp ngôn ngữ của trẻ được tiếp thu tốt hơn ở trường.
- Để con chú ý hơn vào một việc thì đọc sách chính là một kỹ năng quan trọng giúp con có khả năng tập trung tốt hơn.
- Đọc sách giúp cho xây dựng kỹ năng lắng nghe và trí tưởng tượng của con được tốt hơn.
Chính vì những ích lợi của việc đọc sách trên và thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 về việc cho trẻ làm quen với “văn hóa đọc sách” trong nhà trường, lớp 5-6 tuổi đã tích cực xây dựng góc thư viện, tạo không gian lý thú cho trẻ làm quen với sách.
(Hình ảnh trẻ làm quen với sách trong giờ chơi ở các góc)
Cách trang trí sắp xếp góc thư viện cũng góp phần quan trọng trong việc thu hút và tạo hứng thú cho trẻ, nên giáo viên luôn chủ động sáng tạo trong việc cùng với trẻ trang trí góc thư viện cho lớp học của mình được phong phú phù hợp với độ tuổi.
Các sách, tranh truyện cần phải lựa chọn nội dung phù hợp hình ảnh gần gũi với trẻ, sắp xếp hợp lí, trẻ thuận tiện khi lấy và cất. Góc thư viện thoáng mát, yên tĩnh, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ để thu hút trẻ thích được tương tác với sách.
Trẻ có thể làm quen với sách trong giờ chơi ở các góc, chơi ngoài trời, giờ ra về. Trẻ tự lấy sách, ngồi ngay tại những chiếc bàn nhỏ hoặc có thể theo nhóm, để trẻ nằm, ngồi quây quần nghe cô đọc truyện và xem tranh chuyện để trẻ vừa thư giãn tinh thần vừa để cơ thể nghỉ ngơi..
Giáo viên có thể tổ chức cho trẻ các hoạt động như đọc sách truyện theo nhóm, thi kể chuyện dưới sự hướng dẫn của cô giáo; khuyến khích trẻ sáng tạo theo tranh, kể chuyện bằng rối tay…Trong các giờ đọc sách giáo viên hướng dẫn trẻ tự xếp sách vào đúng vị trí quy định sau khi đọc, giáo dục trẻ sử dụng sách, bảo quản sách đúng cách.
Ngoài ra, giáo viên rèn cho trẻ thói quen không được mang sách ra khỏi khu vực thư viện, không được làm rách sách, bẩn sách là cần thiết.
(Hình ảnh trẻ làm quen với sách trong giờ trả trẻ)
Đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà còn hình thành các kĩ năng như: Cầm sách, giở sách, hướng đọc viết từ trái sang phải từ trên xuống dưới, hướng viết các nét chữ, đọc ngắt nghỉ sau các dấu là tiền đề cho việc học sau này. Ngoài ra trẻ còn phát triển khả năng thẩm mĩ, tư duy và óc sáng tạo, biết lắng nghe, sự tập trung tốt hơn.
Đối với trẻ đọc sách giúp trẻ học được về màu sắc, hình dáng, các con số, chữ cái, các kí hiệu thông thường trong cuộc sống. Các tình huống trong câu chuyện giúp trẻ phát triển kĩ năng sống, những bài học đạo đức trong cuộc sống…
Để thu hút trẻ đến với góc thư viện thì việc thay đổi các đầu sách truyện theo tuần, theo chủ đề là rất cần thiết. Ngoài việc nhà trường đầu tư mua thêm đầu sách, truyện phù hợp với lứa tuổi của trẻ thì sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội là rất quan trọng.
Sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội quyết định hiệu quả của thư viện với phương châm: “Góp một quyển sách để đọc nhiều quyển sách”. Vì vậy, việc ủng hộ sách cho lớp là việc mang nhiều ý nghĩa thiết thực, giúp trẻ yêu thích đọc sách hơn.
Trong năm học 2022-2023 này, phụ huynh, các cô và các bé lớp 5-6 tuổi sẽ tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả của “Góc thư viện lớp” nhằm hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt cho trẻ. Mong rằng: Dù là một góc nhỏ thôi. Nhưng chân trời lớn đang chờ là đây. Góc thư viện ấy tuyệt vời. Đẹp thêm truyền thống trồng người trường ta.
Xem thêm: Xây dựng trải nghiệm góc thư viện trong trường mầm non