Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, là phương tiện giúp phát triển toàn diện. Khi chơi, trẻ không những được đáp ứng nhu cầu của mình là được sống và làm việc như người lớn mà còn thoả mãn nhu cầu chơi cùng nhau với nhóm bạn bè, nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, qua đó trẻ học làm người.
Những trải nghiệm chân thực trong trò chơi đã giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn hơn và tích cực hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Với trẻ nhỏ “Học bằng chơi, chơi mà học”, thông qua chơi, trẻ tích tũy kinh nghiệm, kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống cho mình. “Chơi là trường học của cuộc sống”.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI CHO TRẺ MẪU GIÁO
Qua tìm hiểu thực trạng tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non. Tôi nhận thấy các cô giáo đã chú trọng tổ chức hoạt động này cho trẻ. Tuy nhiên, hiệu quả tổ chức hoạt động chưa cao do gặp phải một số vấn đề sau:
- Đồ dùng, đồ chơi học tập chưa phong phú về chủng loại. Chưa hấp dẫn trẻ về màu sắc, hình dạng, kích thước.
- Các cô giáo còn chú trọng nhiều đến trang trí góc chơi. Mà chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả giáo dục của đồ dùng đồ chơi mình đã dày công làm ra.
- Một số cô giáo ít quan tâm đến viêc tạo ra mối quan hệ giao tiếp thân thiện, cởi mở giữa cô và trẻ. Nên khi thoả thuận chơi còn để xảy ra tình trạng trẻ thích chơi gì thì chơi. Hoặc cô áp đặt để trẻ chơi theo ý tưởng của riêng cô.
- Kỹ năng chơi của trẻ còn hạn chế. Chủ đề chơi của các giờ hoạt động vui chơi chưa phong phú.
- Phụ huynh chưa thật sự quan tâm và thấy được hiệu quả của hoạt động vui chơi. Đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
Là cô giáo mầm non, tôi rất mong muốn tổ chức tốt, hiệu quả hoạt động vui chơi. Để hoạt động này trở về đúng vị trí chủ đạo của nó. Tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và thực hiện một số giải pháp. Để nâng cao chất lượng hoạt động vui chơi của trẻ như sau:
Biện pháp 1. Bổ sung đồ dùng đồ chơi đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu.
Để góc chơi sinh động, hoàn chỉnh và có thể phát huy hết vai trò của hoạt động vui chơi. Cô giáo cần cung cấp 3 loại đồ chơi mầm non chính như sau:
– Đồ chơi công nghiệp: Đây là loại đồ chơi được sản xuất trong các nhà máy. Có ưu điểm là đẹp mắt, mô phỏng rất giống sản phẩm thật.
– Đồ chơi tự tạo: Là loại đồ chơi được tạo ra từ phế liệu hoặc nguyên vật liệu có sẵn. Sử dụng đồ chơi này giúp cô giáo có được sự chủ động trong việc sắp xếp các góc chơi phù hợp chủ đề chơi.
– Nguyên vật liệu mở: Là đồ chơi mà trẻ có thể tự thiết kế trong khi chơi theo ý tưởng riêng của mình, như: Len, Xốp, Lá cây…. Đây là loại đồ chơi mang lại rất nhiều hứng thú, kích thích tính sáng tạo, khám phá thế giới xung quanh của trẻ.
Xem thêm: Cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi trực quan hấp dẫn cho trẻ làm quen với toán
Biện pháp 2. Sắp xếp không gian của góc chơi khoa học. Phù hợp với đặc điểm chơi của lứa tuổi, trang trí góc chơi sáng tạo.
Không gian của góc chơi là những khu hoạt động tương đối độc lập. Ở đó trẻ hành động vai chơi một cách tự lập theo ý tưởng của mình. Không gian chơi cũng là nơi trẻ nảy sinh nhu cầu giao lưu với nhóm khác. Vì vậy, tôi chú ý đến tính hợp lý giữa các góc chơi.
Chẳng hạn: Góc chơi bán hàng nên bố trí gần góc nấu ăn để trẻ đóng vai đầu bếp. Có thể dễ dàng nhìn thấy cửa hàng hôm nay có bán thứ gì để chế biến món ăn phù hợp…
Giữa các góc chơi cần có ranh giới, để tạo không gian riêng. Nhằm kích thích trẻ chơi hứng thú. Tôi dùng các giá để đồ chơi, ngăn các góc, tạo không gian cho các góc chơi.
Tôi chú ý đến trang trí các góc chơi đẹp mắt, sinh động và luôn thay đổi theo các chủ đề. Việc trang trí góc chơi ngoài yêu cầu thẩm mĩ, các tranh ảnh ở các góc còn là gợi ý giúp trẻ nảy sinh ý tưởng và thao tác vai chơi phong phú.
Biện pháp 3. Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động vui chơi của giáo viên. Tạo môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiên giữa cô và trẻ.
–Trò chơi không tự nó phát huy tác dụng giáo dục nếu thiếu vai trò tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy cô giáo cần nắm được đặc điểm chơi của lứa tuổi để có cách tổ chức hướng dẫn trẻ chơi hợp lý.
Trong quá trình chơi của trẻ giáo viên luôn bao quát để xử lý các tình huống xảy ra trong khi chơi một cách nhẹ nhàng, không gò bó, áp đặt trẻ. Từ đó cung cấp cho trẻ những kỹ năng và thao tác vai ngày càng phong phú. Khi thăm dò ý tưởng chơi của trẻ, cô chỉ gợi ý và giới thiệu về các góc chơi và hoàn toàn tôn trọng ý đồ và sự lựa chọn của trẻ.
Giáo viên luôn vui vẻ hoà vào cuộc chơi của trẻ một cách tự nhiên. Vì vậy trẻ hào hứng lựa chọn góc chơi, chủ đề chơi. Và trao đổi cùng cô và bạn một cách vui vẻ trong suốt quá trình chơi.
Biện pháp 4. Tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh. Về tầm quan trọng của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ.
Hoạt động vui chơi không những làm thoả mãn nhu cầu chơi của trẻ. Mà qua hoạt động này giúp trẻ thoả mãn nhu cầu nhận thức, nhu cầu giao tiếp, những xúc cảm tình cảm tốt đẹp. Phụ huynh cần hiểu rõ giá trị của hoạt động này đối với sự phát triển của trẻ.
Do vậy, tôi đã trao đổi với phụ huynh thông qua bảng tuyên truyền ở lớp, trao đổi trực tiếp, qua hội thi tổ chức môi trường hoạt động vui chơi và được phụ huynh ủng hộ bằng việc cung cấp một số nguyên liệu: báo cũ, các hình ảnh về chủ đề, các chai lọ đã qua sử dụng…tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, rèn kỹ năng qua hoạt động vui chơi.
Lời kết
Như vậy, tổ chức tốt hoạt động vui chơi không chỉ là phương tiện giáo dục đạo đức, trí tuệ, thể lực cho trẻ. Mà còn chuẩn bị cho trẻ một số phẩm chất cần thiết cho hoạt động học tập sau này. Tính mục đích, tính tổ chức, tính kỷ luật, tính độc lập…
Chơi với trẻ vừa là học tập, vừa là lao động cũng là hình thức giáo dục tốt nhất. Bởi nó phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Thông qua vai chơi trẻ không những biết vận dụng những kinh nghiệm sẵn có của mình. Mà còn có nhu cầu nắm bắt những kinh nghiệm mới. Với trẻ, “ chơi là học tập, là lao động, là một hình thức giáo dục nghiêm túc”.
Khi thiết kế các góc chơi cần chú ý đến mục đích xây dựng, nguyên tắc tổ chức để hoạt động này vừa đảm bảo mục đích giáo dục vừa thoả mãn các nhu cầu ở trẻ: nhu cầu chơi, nhu cầu khẳng định mình, nhu cầu nhận thức… Có như vậy hoạt động vui chơi mới trở thành biện pháp thiết thực, có hiệu quả trong giáo dục trẻ.