Như chúng ta đã biết vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non. Ở độ tuổi này trẻ “Học bằng chơi, chơi mà học”. Vì vậy vui chơi ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu được đối với trẻ mầm non. nó có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và hình thành nhân cách cho trẻ.
Hoạt động chơi ngoài trời là một trong những hoạt động vui chơi mà trẻ hứng thú nhất, qua vui chơi mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh trẻ. Trẻ nhận thức được thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá và quan tâm đến những gì xảy ra ở cuộc sống xung quanh mình.
Qua hoạt động chơi ngoài trời trẻ thỏa mãn nhu cầu hoạt động, nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Hoạt động chơi ngoài trời tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và hứng thú với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống.
Thông qua hoạt động trẻ tích lũy kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và tăng thêm vốn kinh nghiệm sống cho bản thân. Qua chơi hình thành và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, tình cảm và quan hệ xã hội cho trẻ.
Việc tổ chức cho trẻ chơi ngoài trời là hoạt động không thể thiếu được trong một ngày của trẻ và luôn là một hoạt động mang tính giáo dục cao, nó đòi hỏi người giáo viên phải nhạy bén linh hoạt, tận dụng được nguồn nguyên vật liệu sẵn có để biến chúng thành đồ dùng, dụng cụ dạy học, đồ chơi cho trẻ một cách đơn giản nhưng thể hiện rõ nét sự sáng tạo và ý tưởng phong phú qua mỗi sản phẩm.
Xem thêm: Phương Pháp Tổ Chức Trò Chơi Ngoài Trời Cho Trẻ Mầm Non
Tuy nhiên trong quá tình tổ chức hoạt động chơi ngoài trời cho trẻ tôi còn một số hạn chế, khó khăn như sau:
– Bản thân chưa mạnh dạn lựa chọn những nội dung mới lạ, trò chơi phong phú, hình thức tổ chức hoạt động còn chưa linh hoạt, chưa khai thác hiệu quả môi trường ngoài trời; ít chú ý đến khai thác nguyên vật liệu tự nhiên để tổ chức cho trẻ khám phá khoa học, trải nghiệm, mà chủ yếu quan tâm nhiều đến hoạt động quan sát.
– Nhận thức của trẻ lớp tôi không đồng đều có một số trẻ còn nhút nhát, nói ngọng, câu từ chưa lưu loát.
– Một số phụ huynh đi làm ăn xa để con ở nhà cho ông bà, nên việc phối hợp dạy trẻ còn hạn chế: Sợ con, cháu ra nắng, gió bị ốm, sợ con bị bẩn, sợ con mệt…
Từ những hạn chế, khó khăn trên tôi đã áp dụng “Một số biện pháp tổ chức hoạt động chơi ngoài trời cho trẻ ” ở lớp mình như sau:
* Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoài trời theo chủ đề.
Xây dựng kế hoạch phù hợp giúp cho tôi chủ động trong việc tiến hành tổ chức các hoạt động và giúp trẻ phát triển theo mục tiêu, yêu cầu đề ra, phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ. Đồng thời việc lập kế hoạch cũng là điều kiện để hỗ trợ tôi đưa ra các ý tưởng sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu của hoạt động. Tôi đã lựa chọn các nội dung để xây dựng kế hoạch hoạt động ngoài trời một cách phù hợp.
VD: Chủ đề thế giới thực vật: Tôi xây dựng kế hoạch hàng ngày cho trẻ hoạt động ngoài trời như: Cho trẻ làm trải nghiệm chăm sóc cây; quan sát cây hoa giấy….
– Trò chơi vận động: Cho trẻ chơi trò chơi gieo hạt…
*Biện pháp 2: Sưu tầm một số thí nghiệm, một số trò chơi vận động, trò chơi dân gian cho trẻ hoạt động ngoài trời.
Với trẻ ở lớp tôi nhận thức của trẻ còn hạn chế nên tôi chỉ chọn các thí nghiệm đơn giản, dễ thực hiện là phù hợp với trẻ. Để khơi gợi sự hứng thú, tính tò mò của trẻ. Thông qua việc cho trẻ làm các thí nghiệm, đòi hỏi trẻ phải sử dụng tích cực các giác quan.
Chính vì vậy sẽ phát triển ở trẻ khả năng quan sát, so sánh, tổng hợp nhờ vậy khả năng cảm nhận của trẻ nhanh nhạy, chính xác. Tôi đã sưu tầm được 1 số thí nghiệm và khi tổ chức các thí nghiệm này đã gây được sự tập trung chú ý rất cao của trẻ.
VD: Chất nào tan trong nước, nhốt không khí vào túi…Khi cho trẻ làm thí nghiệm cô đặt ra các câu hỏi gợi mở kích thích trẻ trả lời.
Xem thêm: 5 thí nghiệm hóa học đơn giản độc đáo và thú vị
Trong sự đa dạng của các trò chơi dành cho trẻ phải đặc biệt chú ý đến loại trò chơi vận động, vì trong trò chơi này, tất cả trẻ tham gia chơi đều được thu hút vào vận động.
VD: Trò chơi: Ô tô và chim sẻ, bóng tròn to…
Trò chơi dân gian cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của trẻ mầm non. Có thể nói trò chơi dân gian là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Nó được kết thành từ quá trình lao động và sinh hoạt, trong đó tích tụ cả trí tuệ và niềm vui sống của bao thế hệ người Việt xưa.
Đặc biệt đối với trẻ em, trò chơi dân gian không chỉ chắp cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước.
VD: Trò chơi: Lộn cầu vồng, bịt mắt bắt dê, dung dăng dung dẻ…
*Biện pháp 3: Tạo môi trường hợp lý cho trẻ hoạt động.
Môi trường cho trẻ hoạt động là nơi có nguồn thông tin phong phú, khuyến khích tính độc lập và hoạt động tích cực của trẻ. Vì vậy tạo môi trường hợp lý sẽ giúp trẻ tìm tòi, khám phá và phát hiện những điều mới lạ.
Để tổ chức tốt hoạt động ngoài trời cho trẻ tôi đã sưu tầm 1 số thí nghiệm khoa học, 1 số trò chơi vận động, trò chơi dân gian kết hợp chuẩn bị các nguyên vật liệu phế thải, các nguyên vật liệu thiên nhiên làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, tạo môi trường hoạt động phong phú cho trẻ.
VD: Khi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi “Mèo và chim sẻ” tôi chuẩn bị không gian sân rộng, sạch; làm mũ mèo, mũ chim để cho trẻ chơi. Qua đó trẻ có không gian chơi rộng rãi thoải mái, trẻ rất hứng thú với đồ dùng cô tự làm.
*Biện pháp 4: Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi các nguyên vật liệu thiên nhiên từ địa phương. Các phương tiện để phục cho hoạt động chơi ngoài trời:
Đồ dùng, đồ chơi và các phương tiện phục vụ cho hoạt động ngoài trời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đồ chơi là người bạn không thể thiếu trong các trò chơi của trẻ và là nguồn vui của trẻ thơ, những phương tiện trẻ dùng để vui chơi, là những đồ vật cụ thể mà trẻ cầm, nắm được dễ dàng, … giúp trẻ tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh. Đồ chơi học tập còn có tác dụng thúc đẩy, hình thành và phát triển các chức năng tâm lý góp phần hình thành nhân cách ở trẻ đặc biệt là phát triển tình cảm thẩm mỹ.
VD: Đồ chơi làm bằng các nguyên vật liệu phế thải sẵn có như: Bìa cát tông, bìa lịch làm thành quạt, vỏ lon, lõi giấy, vỏ chai nhựa làm thành con sâu; con thỏ… các loại lá, loại hoa, loại hạt khác nhau để xếp thành các hình, xâu các loại hạt, hoa với nhau để tạo thành những chiếc vòng xinh xắn các đồ chơi này thường đơn giản nhưng có khả năng tạo cho trẻ những khám phá bất ngờ và cái nhìn mới mẻ về thế giới xung quanh.
* Biện pháp 5: Lấy trẻ làm trung tâm
Trong quá trình tổ chức hoạt động chơi ngoài trời tôi luôn chú ý đến việc lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ được sờ, cầm, nắm, được quan sát, được tự nhận xét đánh giá, trẻ được nói lên ý kiến của mình, luôn quan tâm phát huy tính tích cực, sáng tạo của trẻ trong khi chơi bằng cách khai thác kinh nghiệm thực tế của trẻ, tận dụng môi trường sẵn có để trẻ được thực hành nhiều nhất.
Luôn tạo ra những tình huống cho trẻ để trẻ phải suy nghĩ tìm cách giải quyết tình huống đó và sáng tạo nhiều nội dung chơi, chủ đề chơi phong phú hơn, hướng trẻ chơi theo một chủ đề thích hợp, mở rộng kỹ năng chơi và giao tiếp. Trẻ được hoạt động một cách tích cực nhất từ đó tạo được hứng thú cho trẻ khi tham gia môi trường hoạt động ngoài trời.
*Biện pháp 6: Tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ.
Hoạt động ngoài trời rất tốt đối với sức khỏe và việc học tập vui chơi của trẻ. Trẻ được hít thở không khí trong lành, được tắm nắng, thỏa mãn nhu cầu vận động, tiếp cận thông tin, khám phá sự vật, hiện tượng thiên nhiên, xã hội.
– Tôi đã xác định chủ đề cần cho trẻ khám phá từ chủ đề lớn đến chủ đề nhỏ, giới thiệu chủ đề, hướng dẫn trẻ tìm hiểu khám phá chủ đề.
– Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu… các trò chơi theo chủ đề, môi trường cho trẻ hoạt động.
– Trước khi ra ngoài trời, tôi luôn nhắc nhở trẻ trang phục gọn gàng. Chú ý tới thể trạng của trẻ để gợi ý, khuyến khích trẻ tham gia vào những nội dung phù hợp.
– Giới thiệu và nói rõ khu vực chơi của lớp. Tập cho trẻ làm quen với hiệu lệnh, khi cần tập trung trẻ lại một chỗ hoặc chuẩn bị vào lớp.
Xem thêm: Tổ chức chơi ngoài trời cho trẻ mầm non 9 nguyên tắc đảm bảo
* Tổ chức hoạt động:
– Tùy thuộc vào nội dung của chủ đề trong tuần, điều kiện của trường, lớp, hoạt động ngoài trời của lớp, tôi đã tiến hành với một số nội dung, hình thức hoạt động sau:
+ Tổ chức cho trẻ quan sát một số sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên, âm thanh, thời tiết, cây cối, hoa lá, hoạt động của con người, con vật.
+ Tham gia vào các hoạt động chăm sóc ở góc thiên nhiên: Tưới cây, lau lá, nhặt lá rụng…
+ Chơi với những trò chơi vận động, trò chơi dân gian mà trẻ yêu thích.
+ Chơi tự do với các thiết bị, đồ chơi ngoài trời; làm đồ chơi và chơi với các vật liệu thiên nhiên như: Cây, hoa, lá…
– Trong quá trình chơi tôi luôn quan sát, bao quát tất cả các trẻ, nhắc nhở trẻ không được chơi quá khu vực quy định của lớp, giữ gìn vệ sinh và chú ý kịp thời xử lí nhanh nhạy những tình huống xảy ra trong quá trình chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ.
* Quan sát có chủ đích:
Tôi cho trẻ đến gần đối tượng cần quan sát và đặt các câu hỏi gợi mở để hướng dẫn trẻ khám phá đối tượng. Tôi luôn động viên khuyến khích trẻ khi cần thiết.
– Tôi đã tạo ra những hoạt động để trẻ có thể sử dụng được nhiều giác quan khác nhau trong việc quan sát, khám phá một hiện tượng, sự vật nào đó.
VD. Tổ chức cho trẻ quan sát: Ở chủ đề:” Giao thông ” tôi cho trẻ quan sát chiếc xe đạp như sau
+ Cô cho trẻ đứng xung quanh chiếc xe đạp đảm bảo cho tất cả trẻ đều quan sát rõ chiếc xe đạp và có thể trò chuyện cùng với cô.
– Các con nhìn xem đây là cái gì ?
– Xe đạp gồm có những bộ phận nào? (cô chỉ vào từng bộ phận nổi bật của xe đạp cho trẻ nói tên: Tay cầm lái, yên xe, bánh xe, bàn đạp)
– Xe đạp có mấy bánh?
– Bánh xe đạp có dạng hình gì?
– Xe đạp dùng để làm gì?
– Chuông xe đạp kêu như thế nào?
– Chúng mình cùng làm tiếng chuông xe đạp kêu nào.
– Tại sao xe đạp đi được?
– Xe đạp là phương tiện giao thông đường gì?
– Khi ngồi trên xe đạp các con phải ngồi ntn?
+ Cô chốt: Xe đạp gồm các bộ phận như: Tay cầm để người lái xe; có yên xe cho người ngồi lái; xe đạp chân có 2 bánh và có bàn đạp để đạp; xe đạp là phương tiện giao thông đường bộ, xe đi được là nhờ sức người đạp. Khi ngồi trên xe đạp chúng mình phải ngồi ngay ngắn không thò chân vào bánh xe nếu không sẽ bị kẹp chân, đau chân….
* Chơi tự do: Cho trẻ chơi với các đồ chơi ngoài trời cô giới thiệu địa điểm chơi. Cô bao quát đảm bảo an toàn cho trẻ, không để trẻ chơi quá sức.
* Kết thúc hoạt động: Tôi tập trung trẻ lại, kiểm tra sĩ số và hướng dẫn trẻ vào lớp tự cất giày dép đúng nơi quy định, rửa tay, sát khuẩn, lau mặt chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo
* Biện pháp 7: Làm tốt công tác phối, kết hợp với phụ huynh để giúp trẻ có tham gia vào hoạt động chơi hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng hoạt động ngoài trời, tôi đã luôn tạo ra được mối quan hệ gần gũi giữa giáo viên và gia đình trẻ. Qua các buổi họp phụ huynh của lớp, tôi đã phổ biến cho cha mẹ trẻ những kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ, và tầm quan trọng của hoạt động ngoài trời tới sự phát triển nhân cách trẻ. Ngoài các buổi họp phụ huynh, tôi đã tận dụng các buổi đón, trả trẻ để trao đổi với phụ huynh.
– Bên cạnh đó phụ huynh còn ủng hộ các nguyên vật liệu phế thải để tôi tận dụng làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động. Qua đó chất lượng của hoạt động ngoài trời ở lớp tôi đã được nâng lên rõ rệt, trẻ thích tham gia chơi, các kỹ năng quan sát, phán đoán suy luận của trẻ được nâng lên rõ rệt.
Khi thực hiện các biện pháp trên đã giúp tôi dễ dàng trong việc thực hiện các yêu cầu về kỹ năng cần đạt trong độ tuổi, tạo cho trẻ niềm vui sự hứng thú khi tham gia các hoạt động cũng như tạo sự gần gũi yêu thương giữa cô và trẻ.
* Kết quả: Sau khi áp dụng các biện pháp
+ Đối với bản thân tôi đã có tiến bộ hơn, hiểu sâu hơn về các biện pháp tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ . Khi tổ chức dạy trẻ tôi đã nhạy bén linh hoạt hơn, có sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động và khai thác hiệu quả môi trường hoạt động ngoài trời, nguyên vật liệu tự nhiên để tổ chức cho trẻ khám phá khoa học, trải nghiệm hoạt động một cách tích cực và đạt kết quả cao.
+ Đối với trẻ: Chất lượng của trẻ ở lớp tôi đã được nâng lên rõ rệt. 100% số trẻ đã có kiến thức kỹ năng cơ bản để tham gia vào hoạt động. Trẻ phát huy được tính chủ động, sáng tạo trí tưởng tượng, linh hoạt hơn trong các hoạt động. Khả năng quan sát, diễn đạt ngôn ngữ bằng lời của trẻ tốt hơn.
Trẻ tích cực, hứng thú tham gia vào các hoạt động ngoài trời đạt mục tiêu bài học là: 22/24= 91,6 % .
+ Đối với phụ huynh: 100% phụ huynh đã hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức hoạt động ngoài trời với sự phát triển toàn diện của trẻ, phụ huynh đã quan tâm, phối hợp với cô giáo để lồng ghép giữa học và chơi, chơi và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hoạt động ngoài trời cho trẻ.