Trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là trò chơi cho trẻ mà nó còn chứa đựng văn hoá dân tộc Việt Nam độc đáo. Trò chơi dân gian không những nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn giúp trẻ hiểu tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước…
Những trò chơi đơn giản, âm điệu vui tươi, sống động nhí nhảnh gần gũi với cuộc sống giúp trẻ thêm hào hứng học tập và sống hồn nhiên hơn. Mặt khác các trò chơi dân gian thường diễn ra ngoài trời sẽ đưa trẻ gần với thiên nhiên hơn, trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan sát về môi trường tự nhiên hơn.
Trò chơi dân gian trẻ em có ý nghĩa luyện kỹ năng. Nó góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Trong đó, phát triển ngôn ngữ có mối quan hệ qua lại biện chứng với sự phát triển toàn diện về các mặt: Đức – trí – lao – thể – mỹ.
Bởi lẽ, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc tích luỹ kiến thức, phát triển tư duy và còn là phương tiện làm phong phú đời sống tinh thần của trẻ, đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh. Và là cơ sở cho việc làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ, tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ nói.
Nhận biết được tầm quan trọng của trò chơi dân gian đối với trẻ mầm non nên trường chúng tôi đã tích cực đưa trò chơi dân gian vào trong các hoạt động vui chơi của trẻ tại trường.
Các trò chơi dân gian nâng cánh tâm hồn cho trẻ mầm non
Trò chơi bịt mắt bắt dê cho trẻ mầm non
Mục đích chơi:
Rèn luyện thính giác, óc phán đoán cho trẻ.
Cách chơi thứ nhất:
Cho trẻ chơi trò “Tay trắng tay đen” trước để loại ra 2 người. Và 2 trẻ bị loại sẽ chơi oẳn tù tì, người thua sẽ bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê.
Những trẻ còn lại thì đứng thành vòng tròn. Những trẻ làm dê phải luôn miệng kêu “be, be” và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê. ”Những con dê” không được chạy ra khỏi vòng tròn, nếu phạm luật thì sẽ bị bịt mắt. Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người khác.
Hình ảnh trẻ lớp 4 tuổi B chơi trò chơi “bịt mắt bắt dê”
Cách chơi thứ hai:
Người chơi cũng phải oẳn tù tì như ở cách 1 để tìm ra người bị bịt mắt đi tìm dê và người làm dê.
Những người làm dê phải luôn miệng kêu “be, be” hoặc trêu chọc người bị bắt làm dê, đồng thời phải luôn né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt mình. Khi nào người bị bịt mắt chạm vào trúng con dê nào thì người đó bị bịt mắt.
Sau khi dùng khăn tay bịt mắt, ”những con dê” sẽ chạy xung quanh người bịt mắt bằng cách đập vào vai hay vuốt má người bị bịt mắt rồi chạy trước khi người đó chụp mình. Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, phải đoán và nói tên của người đó. Nếu nói đúng thì người bị bắt sẽ bị bịt mắt, còn nếu nói sai trò chơi tiếp tục như cũ.
Mẹo nhỏ, người bị bắt có thể lừa người bị bịt mắt bằng cách khụy chân xuống giả làm người lùn hoặc kiễng chân lên cao, chủ yếu làm sao cho người bị bịt mắt không đoán ra mình. (cô giáo có thể hướng dẫn trẻ những điều này)
Trò chơi ô ăn quan cho trẻ mầm non
Chuẩn bị:
+ 50 viên sỏi nhỏ (hoặc hạt me, hạt mãng cầu…) làm quân
+ 2 viên sỏi lớn (có thể khác màu hoặc khác hình dạng để dễ phân biệt) làm quan.
Cách chơi trò chơi ô ăn quan mầm non:
Trước khi chơi hai bên thoả thuận bao nhiêu quân mua được một nhà (có thể 20, 30, 40).
Chia đều mỗi người 25 quân và 1 quan. 1 quan có trị giá bằng 10 quân
Mỗi người ngồi 1 bên hình chữ nhật, sở hữu 5 ô chữ nhật nhỏ trước mặt mình, chỉ được di chuyển những quân ở trong ô của mình
Đầu tiên mỗi người bỏ vào mỗi ô nhỏ của mình 5 quân và ô lớn 1 viên cái ( đóng làm quan). Sau khi “oẳn tù tì” người thắng đi trước.
Bốc một nắm quân trong bất cứ ô nào của mình rồi rãi vào mỗi ô 1 viên theo chiều nào tuỳ theo mình tính toán, nhưng đã đi theo chiều nào phải xem đi theo chiều nào có lợi nhất.
Khi rải hết quân trên tay đến ô nào thì bốc quân của ô kế tiếp mà rải.
Nếu rải đến ô cuối cùng mà ô kế là ô quan thì không được đi tiếp dù trong ô quan có quân mà phải nhường quyền để cho đối phương đi.
Nếu rải đến viên cuối cùng mà gặp ô kế bên lả ô trống và ô kế đó có quân thì đập tay xuống ô trống đó rồi ăn những quân trong ô kế tiếp.
Hình ảnh trẻ chơi trò chơi “ô ăn quan”
Ví dụ: Người A đang chơi, rải quân theo chiều mũi tên. Khi đến ô 1 thì hết quân, đập bàn tay vào ô trống 2 để ăn quân ở ô 3. Vì ô 4 cũng trống quân nên đập tay tiếp vào ô 4 để ăn quân ở ô 5.
Sau khi ăn xong nếu ô kế ô mình vừa ăn là ô trống và ô bên cạnh cũng có quân (kể cả ô quan) thì vẫn được ăn. Cứ như thế có khi ăn được năm đến sáu ô một lúc nếu tính toán giỏi.
Nếu trong khi chơi những ô trước mặt của người đang rải quân không còn quân thì người đó phải lấy quân mình ăn được bỏ vào mỗi ô một quân để tiếp tục chơi cho đến khi nào hai ông quan bị ăn hết là hết ván.
Lúc đó mỗi người lại bắt đầu ván mới bằng cách bỏ vào mỗi ô 5 quân và một ông quan vào ô quan. Nếu không đủ quân hoặc không có quan thì phải bán nhà của mình tức bán một ô cho đối phương theo giá trị đã thỏa thuận ban đầu.
Sau đó tiếp tục chơi nhưng những quân rải vào trong nhà đã bán là của người mua, họ được quyền lấy những quân đó.
Cả hai người hễ ai rải đến ô kế ô nhà bán mà hết quân đều phải dừng lại, không được bốc những quân trong nhà đã bán đi tiếp. Sau ván này nếu mình ăn, đối phương không đủ quân để rải thì mình chuộc lại nhà. Ngược lại, nếu thua lại phải bán nhà để chơi tiếp. Chơi đến khi nào bán hết nhà là thua.
Trò chơi ô ăn quan khi gặp kỳ phùng địch thủ có thể kéo dài đến cả buổi.
Cách chơi và luật chơi trò chơi chi chi chành chành
Người chơi có thể từ 3 người trở lên. Chọn một người đứng ra trước xòe bàn tay ra các người khác giơ ngón trỏ ra đặt vào long bàn tay vào. Người xòe bàn tay đọc thật nhanh:
Hình ảnh nhóm trẻ 4 tuổi đang chơi Trò chơi “chi chi chành chành”
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập
Đọc đến chữ “ập” người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì vào thế chỗ người xòe tay và vừa làm vừa đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.
Cách chơi luật chơi trò chơi Rồng rắn lên mây
1. CHUẨN BỊ
– Sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.
2. CÁCH CHƠI
– 1 trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ.
– Những trẻ còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài, đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:
‘Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?”
– Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” trẻ dừng lại trước mặt “ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” trẻ sẽ di tiếp, vừa đi vừa đọc những câu trên. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.
Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
Cả nhóm: Những x ương cùng xẩu
Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon
Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.
– Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” chạy đuổi bắt cho được “khúc đuôi” (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thỉ trẻ đổi vai và chơi lại từ đầu.
* Yêu cầu:
– Cho trẻ chơi liên tục trong khoảng thời gian 10 – 15 phút, không hạn chế số lần chơi của trẻ.
Trò chơi Oẳn tù tì Mầm non
Mục đích chơi:
Chơi trò oẳn tù tì sẽ giúp bé rèn luyện tính phán đoán và phản xạ nhanh.
Cách chơi:
Trò chơi được tiến hành khi có 2 người chơi trở lên, tay đung đưa theo nhịp câu hát:
Hình ảnh trẻ chơi trò chơi “ Oản tù tì”
“Oẳn tù tì
Ra cái gì?
Ra cái này!”
Câu hát kết thúc, tất cả mọi người cùng xòe tay theo các hình: nắm tay là búa, giơ ngón trỏ và ngón giữa là kéo, xòe cả bàn tay là lá. Người thắng cuộc được tìm ra theo quy tắc: búa đập kéo, kéo cắt lá; lá bao búa.
Cách chơi trò chơi lộn cầu vồng mầm non
Lộn cầu vồng là trò chơi gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Nhớ những trưa hè trốn ngủ trưa rủ nhau ra gốc đa đầu làng cùng chơi lộn cầu vồng. Chỉ cần bắt đôi với 1 bạn nữa rồi vừa ê a đọc đồng dao vừa lộn cầu vồng cũng thấy vui lắm rồi.
Bài đồng dao lộn cầu vồng
“Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta cùng lộn cầu vồng”
Tùy vào mỗi vùng miền khác nhau mà có thể gọi là đồng dao, bài thơ hay bài hát lộn cầu vồng. Thế nhưng những câu từ, ngữ điệu trong bài đồng dao luôn vui tươi mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể nhớ được.
Hình ảnh trẻ chơi Trò chơi “lộn cầu vồng”
Cách chơi lộn cầu vồng
Ngày nay, trò chơi lộn cầu vồng thường xuất hiện trong các giờ hoạt động tập thể tại trường mầm non.
Trò chơi lộn cầu vồng không chỉ thân thuộc với bao thế hệ trẻ thơ mà ngày nay trò chơi lộn cầu vồng còn được giảng dạy tại các trường mầm non trong giờ hoạt động ngoài trời. Khi tham gia trò chơi này các bạn nhỏ sẽ được bắt đôi với nhau, cứ 2 bạn thành 1 cặp, đứng cách nhau 2 -3 m để tránh khi lộn sẽ va vào nhau.
Bắt đầu chơi, từng đôi đứng đối nhau lúc đầu nắm tay nhau đung đưa theo nhịp bài đồng dao sang hai bên. Sau khi đọc đến câu cuối “Hai chị em ta cùng lộn cầu vồng” thì cả hai người cùng giơ tay lên cao và lộn một vòng.
Khi lộn xong cả hai người sẽ đứng quay lưng vào nhau, tay vẫn nắm chặt thì đó là cặp đôi chiến thắng. Đôi nào bị ngã hoặc tuột tay thì bị coi là thua và phải chịu hình phạt do người quản trò đưa ra.
Cách chơi trò chơi chồng nụ chồng hoa
– Mục đích:
+ Rèn luyện thể lực
+ Tập cho trẻ biết bật cao, khéo léo, nhanh nhẹn
– Chuẩn bị:
Sân trường sạch sẽ, rộng rãi.
– Luật chơi:
Nếu chạm vào nụ hoặc hoa sẽ mất lượt chơi
– Cách chơi:
+ Chơi theo đôi hoặc chia trẻ thành 2 đội. Các đội “oẳn tù tì” để tìm ra đội được chơi trước.
+ Đội thua phải chồng nụ, chồng hoa như sau: hai trẻ ngồi đối diện nhau, chân duỗi thẳng.
Bậc 1: Dựng bàn chân thẳng đứng, gan bàn chân áp vào nhau
Bậc 2: Nhấc 1 bàn chân của trẻ A, chồng lên chân trẻ B
Bậc 3: Trẻ A chồng 1 nắm tay lên làm nụ
Bậc 4: Trẻ A chồng 2 nắm tay lên làm nụ
Bậc 5: Trẻ B chồng 1 nắm tay lên làm nụ
Bậc 6: Trẻ B chồng thêm một nắm tay làm nụ.
Bậc cuối, nụ nở thành hoa (bàn tay lúc này duỗi thẳng và xòe ra như bông hoa). Nếu chạm vào nụ hoặc hoa sẽ bị mất lượt chơi. Cả đội mất hết lượt sẽ phải đổi vai đi “ chồng nụ, chồng hoa”
Xem thêm các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non
Sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt trẻ thơ sau khi được tham gia các trò chơi dân gian, điều đó thôi thúc các cô tích cực tìm tòi, sưu tầm các trò chơi mới lạ hấp dẫn hơn để nụ cười tỏa sáng mãi trên môi các bé.
Các trò chơi tưởng chừng như phai nhạt giữa thế giới hiện đại, nhưng với sự sáng tạo của giáo viên các trò chơi đó đã tái hiện lại một cách sống động đầy màu sắc, tạo nên bầu không khí đầy nhiệt huyết của các cháu mầm non, xứng đáng với khẩu hiệu: “một ngày đến trường là một ngày vui’
Nguồn: Thiết bị mầm non Hoàng Hà