Tâm sự vui buồn nghề giáo viên mầm non

0
100
Tâm sự vui buồn nghề giáo viên mầm non

Yêu lắm nghề giáo viên mầm non “Mùa xuân ai đi hái hoa?” – Trong muôn vàn nghề, nhiều khi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn nghề Giáo viên mầm non. Gần 15 năm làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy đã khiến tôi không ít lần phải rơi nước mắt, nhưng cũng có bao niềm vui hạnh phúc khi thấy lớp lớp trẻ thơ trưởng thành qua sự chăm sóc dạy dỗ của cô. Phải chăng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp tôi cùng bao cô giáo mầm non vượt qua khó khăn của nghề mà mình đã chọn.

Khi tốt nghiệp ra trường và về làm giáo viên ở lớp mẫu giáo, bản thân tôi càng thấy sự vất vả của nghề “làm dâu trăm họ”. Từ 6h30 sáng, tôi cùng các đồng nghiệp phải có mặt ở trường, vệ sinh lớp, lau dọn, sắp xếp bàn ghế để đón trẻ. 8h, bắt đầu dạy theo chương trình, nào hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời… Tất cả phải được thực hiện hàng ngày, hàng tuần theo quy định.

Sau đó, cho các con vệ sinh rửa tay, lau mặt, cho trẻ ăn, các con đi vệ sinh rồi cô cho các con ngủ. Buổi chiều lại quy trình cho trẻ dậy, sau đó ăn phụ, tổ chức các hoạt động chiều ôn luyện kiến thức, lao động, vui chơi và vệ sinh trả trẻ. Trẻ mầm non không giống các lứa tuổi khác, các con sống theo cảm xúc, vui thì cười, buồn thì khóc, có khi bạn chỉ trêu đùa cũng khóc, hoặc bỗng dưng nhớ mẹ cũng khóc, lúc đó cô giáo phải lại ôm ấp, vỗ về các con và động viên trẻ.

Xem thêm: Kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên mầm non giáo dục trẻ

cô giáo mầm non đa tài lắm

Cô giáo thật sự rất vất vả, cứ luôn chân luôn tay với các công việc và phải để ý liên tục đến các cháu, vì trẻ lứa tuổi mầm non rất hiếu động, chạy nhảy vận động nên rất dễ bị ngã xây xước chân tay. Cuối ngày, có thể có cháu được đón muộn do phụ huynh có việc bận đột xuất, cô lại là người cùng trẻ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Việc đi sớm về muộn mỗi ngày cũng là chuyện thường xuyên với cô giáo mầm non

Ai cũng nói, cô giáo mầm non đa tài lắm. Quả đúng như vậy. Giáo viên mầm non là tổng hợp tất cả các nghề. Này nhé, giáo viên mầm non là một “bác sĩ”. Bởi vì để trở thành giáo viên mầm non, các cô cũng phải hiểu một cách căn bản nhất về các bệnh thường gặp của trẻ, cách phòng ngừa và điều trị.

Bên cạnh đó, các cô giáo mầm non còn là những chuyên gia tâm lý của trẻ. Không nắm bắt được đặc điểm tâm lý của từng trẻ thì không thể đưa ra phương pháp giáo dục trẻ đúng đắn được. Qua mỗi chương trình văn nghệ hay hội thi, giáo viên mầm non còn là “nghệ sĩ múa”, “ca sĩ”…

Không chỉ hát hay, múa dẻo, mà giáo viên mầm non còn là những nhà “biên đạo múa” tài ba khi tổ chức các lễ hội cho trẻ. Các tiết mục văn nghệ của cô và cháu dàn dựng, biểu diễn luôn nhận được sự khen ngợi của khán giả. Rồi nữa, giáo viên mầm non là một “họa sĩ” có nghề.

Hàng ngày chúng tôi phải chuẩn bị đồ dùng đồ chơi học tập, đồ chơi cho để phục vụ cho các hoạt động của trẻ. Đến các trường mầm non nhìn các bức tranh vẽ, xé dán, những hình ảnh ở các góc chơi và trang trí lớp sinh động thì đúng thật nói các cô là “họa sĩ” quả không sai. Đồ dùng đồ chơi sáng tạo của giáo viên mầm non làm hầu hết là tận dụng từ những phế liệu như chai nhựa, hộp giấy, mẩu gỗ, vải vụn…

Nhiều khi chúng tôi cứ như là những người thu mua đồng nát, ra đường thấy cái chai hay cái lọ, vỏ lon nước ngọt, nắp chai, vỏ hộp sữa… có thể tận dụng được cũng nhặt nhạnh về, rửa sạch để làm đồ chơi cho con trẻ.

Vất vả là thế, áp lực là thế nhưng rồi nhìn những khuôn mặt thơ ngây, nụ cười trong sáng và những đôi mắt trong veo của trẻ đã khiến chúng tôi vượt qua tất cả, chúng tôi cũng có những niềm hạnh phúc riêng mà ít người có được. Trong mắt trẻ thơ, cô giáo mầm non như những thần tượng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi “khi về nhà lúc nào các con cũng nói “cô của con bảo thế này…”, và đến ngày nghỉ cũng bắt bố mẹ phải đưa đi học, thậm chí trẻ nghỉ ốm ở nhà, khi uống thuốc cũng bảo mẹ đưa đến trường để cô giáo con cho uống, để các bạn khen con…

Chúng tôi vui lắm khi các con có tiến bộ hàng ngày. Có những trẻ khi đi học không biết ăn rau, ăn thịt… thì qua vài tuần đến lớp, được sự động viên của cô thì trẻ đã biết ăn các thức ăn mà trước đó trẻ chưa từng ăn.

Có chuyện gì vui buồn ở nhà đến cũng kể cho cô nghe, gặp cô ở đâu cũng phải chạy đến ôm cô bằng được. Chúng tôi yêu lắm những câu nói hồn nhiên, những câu chuyện không đầu không cuối của trẻ và cả trân trọng sự tin yêu của phụ huynh học sinh khi thấy trẻ tiến bộ hàng ngày.

Để đạt hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ thì giáo viên cũng phải biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày bằng cách giao tiếp về cuộc sống của trẻ, xây dựng ý thức thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp; chú ý thay đổi phương pháp dạy đổi mới hấp dẫn với trẻ sẽ cuốn hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ.

Công việc đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, yêu trẻ, có tâm với nghề. Bởi trẻ con là tờ giấy trắng, tinh khôi, giáo viên mầm non cùng gia đình và xã hội hãy cùng nhau viết lên đó những điều tốt đẹp nhất. Trước thực trạng hiện nay, các cô giáo mầm non không mong mỏi gì hơn là nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ phía phụ huynh để giảm bớt áp lực và cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ một cách tốt đẹp nhất.

Tôi hiểu rằng chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô giáo mầm non vượt qua nhiều áp lực công việc để gắn bó với nghề.

Đến bây giờ, khi đã trải qua bao năm công tác, thế hệ học sinh ngày nào học mầm non nay đã trưởng thành, đến giờ đã đưa con đến trường để gửi trẻ vẫn nhớ về cô giáo đã từng chăm sóc nuôi dưỡng và dạy dỗ mình với những kỷ niệm ngày xưa, vẫn ríu rít “bà ơi” “cô ơi…” khiến chúng tôi càng thêm yêu nghề mà mình đã chọn.

Cô giáo mầm non – người “thầm lặng ươm những mầm xanh tương lai của đất nước” chúng tôi luôn tự hào vì điều đó, người đã dìu dắt trẻ thơ bước đi những bước đầu đời.

Xem thêm: Tâm sự nghề giáo viên mầm non – Bỏ nghề sau một năm đi dạy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây