Hướng dẫn thiết kế và tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo

0
504
Hướng dẫn thiết kế và tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo

Thiết kế trò chơi học tập cho trẻ mầm non. Vui chơi là hoạt động thường xuyên của con người ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo – lứa tuổi mới bắt đầu tiếp xúc với thế giới xung quanh và cộng đồng xã hội, vui chơi luôn được gắn liền với học tập.

Trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo luôn được người lớn, nhất là các cô nuôi dạy trẻ ở trường mẫu giáo quan tâm tổ chức. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay không phải cô nuôi dạy trẻ và trường mẫu giáo nào cũng tổ chức được những trò chơi học tập phù hợp và bổ ích cho trẻ.

Bài viết đi sâu nghiên cứu về cách thiết kế và tổ chức trò chơi học tập cho trẻ nhằm góp phần giúp các cô nuôi dạy trẻ và trường mẫu giáo có cơ sở để xây dựng và tổ chức các hoạt động trò chơi bổ ích cho trẻ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục ở trường mẫu giáo hiện nay

So sánh Tất cả Ứng dụng Trò chơi học tập: Quizizz, Kahoot, Gimkit, Blooket, Quizlet, Wordwall

So sánh Tất cả Ứng dụng Trò chơi học tập

Từ khoá: trò chơi học tập; thiết kế trò chơi học tập; tổ chức trò chơi học tập; trẻ mẫu giáo; cô giáo mầm non,
trường mầm non.

Xem thêm: Những yêu cầu và cách thiết kế trò chơi học tập mầm non

1. Đặt vấn đề

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, “trẻ học mà chơi, chơi mà học”. Trò chơi học tập là một trong số các loại trò chơi được sử dụng như một phương tiện nhằm giáo dục phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ, giúp trẻ được thỏa mãn nhu  cầu chơi, nhu cầu học, khám phá và hòa nhập vào thế giới xung quanh. Vì vậy, việc thiết kế và tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non là một việc làm vô cùng quan trọng.

2. Nội dung

2.1. Trò chơi học tập của trẻ mẫu giáo

2.1.1. Khái niệm về trò chơi, trò chơi học tập

Trò chơi là một hoạt động có nguồn gốc từ lao động và chuẩn bị cho thế hệ trẻ đến với lao động. Trò chơi mang bản chất xã hội, nội dung chơi phản ánh cuộc sống hiện thực xung quanh. Trò chơi không nảy sinh một cách tự phát mà do ảnh hưởng có ý thức hoặc không có ý thức từ phía người lớn và bạn bè, giao tiếp xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển trò chơi.

Trò chơi học tập là loại trò chơi chứa đựng các yếu tố dạy học, và có nguồn gốc trong nền giáo dục dân gian. Nó thuộc nhóm trò chơi có luật, do người lớn nghĩ ra cho trẻ chơi và dùng nó vào mục đích giáo dục và dạy học, hướng tới việc phát triển hoạt động trí tuệ cho trẻ .

2.1.2. Kết cấu của trò chơi học tập

Mỗi trò chơi học tập bao gồm 3 thành tố, và chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu thiếu một trong ba thành tố thì không thể tiến hành trò chơi được. Đó là:

+ Nội dung chơi: Chính là nhiệm vụ nhận thức và là thành phần cơ bản của trò chơi, nó khơi gợi hứng thú, tính tích cực, nguyện vọng chơi của trẻ. Mỗi trò chơi học tập có nhiệm vụ nhận thức của mình, chính điều đó làm cho trò chơi này khác trò chơi kia.

+ Hành động chơi: Là những động tác trẻ làm trong lúc chơi và nó là thành tố đặc trưng của trò chơi học tập. Các hành động chơi là thành phần chính của trò chơi học tập, thiếu chúng thì không còn là trò chơi nữa. Hành động càng phong phú, nhiều hình nhiều vẻ bao nhiêu thì số trẻ tham gia trò chơi càng nhiều bấy nhiêu và bản thân trò chơi càng lý thú.

+ Luật chơi: Là qui định buộc trẻ phải tuân thủ khi chơi, nếu phá vỡ chúng thì trò chơi cũng bị phá vỡ. Luật chơi này do nội dung chơi qui định. Và qua luật chơi trẻ đã tạo nên cơ chế tự điều khiển hành vi của mình. Khi trẻ tham gia vào trò chơi học tập thì kết thúc trò chơi bao giờ cũng có một kết quả nhất định, đó là trẻ phải hoàn thành một nhiệm vụ nhận thức nào đó.

Vì vậy, việc dạy học cho trẻ mẫu giáo bằng các trò chơi học tập đã tạo cho trẻ khả năng giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới hình thức chơi nhẹ nhàng, không bị áp đặt, nâng cao hứng thú của trẻ, phát triển năng lực tập trung chú ý, tạo điều kiện thuận lợi cho những hành động có định hướng phù hợp với lời chỉ dẫn của cô giáo và đảm bảo cho việc lĩnh hội tri thức, kĩ năng một cách tốt hơn. Những nhiệm vụ chơi và hành động chơi đòi hỏi trẻ tích cực huy động các tri thức, kĩ năng, kĩ xảo của mình để đạt được kết quả mà trò chơi đặt ra.

2.1.3. Phân loại trò chơi học tập

Mỗi trò chơi học tập có một ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển của trẻ. Để giúp chúng ta dễ nhận ra ý nghĩa, vai trò của trò chơi học tập đối với sự phát triển tâm lí nói chung và trí tuệ của trẻ nói riêng, thì trò chơi học tập được phân thành các loại sau:

Trò chơi học tập nhằm phát triển các giác quan: nhằm rèn luyện và phát triển hoạt động nhận cảm của trẻ.

Trò chơi học tập nhằm phát triển các thao tác tư duy: quan sát, phân tích, so sánh, khái quát các sự vật hiện tượng. Loto là một dạng cơ bản của trò chơi này.

Trò chơi học tập phát triển óc tưởng tượng của trẻ: dạng cơ bản của trò chơi này là trò chơi mô phỏng.

Trò chơi học tập phát triển trí nhớ: rèn luyện và phát triển trí nhớ của trẻ về những tri thức, những khái niệm, biểu tượng mà trẻ lĩnh hội trước đó.

Trò chơi học tập phát triển ngôn ngữ: nhiều trò chơi có lời ca, tiếng hát để diễn tả nội dung chơi. Chính lời ca, tiếng hát đó làm trẻ vui nhộn, thoải mái, hồn nhiên và qua đó ngôn ngữ của trẻ trở nên mạch lạc.

2.1.4. Ý nghĩa của trò chơi học tập đối với trẻ mẫu giáo

Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đều cho rằng, trò chơi học tập có một ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục và phát triển nhân cách nói chung và trí tuệ của trẻ mẫu giáo nói riêng. Trò chơi học tập chẳng những dạy cho trẻ trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường không chịu lùi bước trước khó khăn mà còn giáo dục cho trẻ tự tin vào bản thân, tính hài hước, tính tổ chức, tính kỉ luật, lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương…

Ý nghĩa của trò chơi học tập đối với trẻ mẫu giáo

“Trò chơi học tập không chỉ là nguồn sống nuôi dưỡng trẻ về cả thể chất lẫn tâm hồn mà còn là nguồn thông tin vô tận, là điều kiện thuận lợi để phát triển khả năng độc lập, óc sáng tạo của trẻ. Trạng thái xúc cảm lành mạnh trong khi chơi thúc đẩy sự phát triển các quá trình tâm lí của trẻ như tri giác, cảm giác, tư duy, chú ý, ghi nhớ, ngôn ngữ…

Trong trò chơi, trẻ làm được những điều cao hơn so với khả năng thực, trẻ có thể thực hiện được những nhiệm vụ trí tuệ và thực hành phức tạp”. Và dưới ảnh hưởng của trò chơi học tập, trong sự phát triển trí tuệ của trẻ mẫu giáo có một bước tiến rất quan trọng là sự chuyển hóa các thao tác tỉ mỉ bên ngoài với đồ vật vào thao tác trí tuệ bên trong dưới dạng những biểu tượng và khái niệm.

Nhờ cấu trúc đặc biệt của trò chơi học tập, luật chơi có chứa đựng những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với phương thức giải quyết nhiệm vụ nhận thức, dần dần giúp trẻ làm chủ được hoạt động của mình. Điều đó cho thấy rằng, nếu trò chơi học tập được sử dụng thành hệ thống sẽ góp phần đắc lực vào việc phát triển các quá trình tri giác, cảm giác và biểu tượng của trẻ mẫu giáo.

2.2. Thiết kế trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo

Xem thêm: Tổ chức trò chơi cho trẻ mầm non luyện tập trung chú ý cho trẻ

Thiết kế trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo

2.2.1. Yêu cầu khi thiết kế trò chơi học tập

– Cần đảm bảo các thành tố cấu trúc cơ bản của trò chơi học tập.

– Các yếu tố của trò chơi hấp dẫn: tên trò chơi hấp dẫn; luật chơi rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; phương tiện chơi sinh động, hấp dẫn, thu hút nhiều trẻ cùng tham gia chuẩn bị.

– Trò chơi phải theo hướng mở nhằm đáp ứng mức độ nhận thức khác nhau của trẻ.

– Sắp xếp các trò chơi theo mức độ và từng chủ đề giáo dục thành một hệ thống từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

– Đảm bảo trẻ được chơi vui vẻ, tự do, tự nguyện.

2.2.2. Nguyên tắc thiết kế

Đảm bảo tính mục đích: Phải hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non. Do đó các thành tố của trò chơi học tập cần hướng vào làm giàu biểu tượng về sự vật hiện tượng, phát triển kĩ năng nhận thức và hành động, giáo dục thái độ đúng đắn đối với cuộc sống xung quanh.

Đảm bảo tính vừa sức: Phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo nói chung và đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo nói riêng.

Đảm bảo tính phát triển: Việc thiết kế trò chơi được xếp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Đảm bảo tính đa dạng: Đa dạng về nội dung để hình thành ở trẻ không chỉ các kiến thức, các kĩ năng mà còn giáo dục ở trẻ cả thái độ nhân văn đối với sự vật hiện tượng.

Đảm bảo tính hấp dẫn: Để phát huy tính tích cực, tự do, tự nguyện tham gia trò chơi học tập của trẻ, kích thích ở trẻ nhu cầu tìm tòi, khám phá và có ý nghĩa giải quyết vấn đề.

Đảm bảo tính phổ biến: Có thể sử dụng rộng rãi ở các địa phương, các trường khác nhau, dễ sử dụng; vật liệu, đồ chơi đơn giản, dễ kiếm, dễ làm.

2.2.3. Cách thiết kế trò chơi học tập

  • Bước1: Xác định trình độ phát triển nhận thức hiện tại của trẻ.
  • Bước 2: Xác định mục tiêu, nội dung nhận thức.
  • Bước 3: Lựa chọn và sắp xếp các nội dung theo từng mảng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
  • Bước 4: Lựa chọn và gắn kết các thành tố của trò chơi phù hợp với nội dung nhận thức đã
    lựa chọn.

– Xác định nhiệm vụ nhận thức của trò chơi (chính là nội dung, nhiệm vụ nhận thức mà
giáo viên đã lựa chọn ở bước 3).

– Lựa chọn hành động chơi của trò chơi: Dựa vào nội dung nhận thức, nhiệm vụ nhận thức
đã được xác định và điều kiện của trường lớp (không gian, địa điểm, đồ chơi…).

+ Có thể lựa chọn các vận động cơ bản như đi, chạy, nhảy, ném bắt, leo trèo… Hoặc những vận động sáng tạo như mô phỏng sự vật hiện tượng theo tưởng tượng, trí nhớ, cảm xúc… Tuy nhiên các hình thức vận động chỉ được sử dụng như một yếu tố để tăng phần vui vẻ và thể hiện hiểu biết của trẻ.

+ Các hành động khám phá: đó là quan sát, tìm kiếm, so sánh, phân tích, phân loại, phê phán, chắp ghép, xé dán…

+ Hành động đố và đoán: Hành động này thỏa mãn tính tò mò, ham tìm hiểu của trẻ, đồng thời thoả mãn nhu cầu giao tiếp, phát huy tính tích cực trong tư duy, ngôn ngữ của trẻ. Bởi đố và đoán trẻ phải sử dụng các hành động ngôn ngữ (miêu tả, giải thích…), phân tích, so sánh, suy đoán…

Như vậy, các hành động chơi phải giúp trẻ định hướng, thực hành các hành động nhận thức. Mỗi trò chơi nên có sự phối hợp 2 hay 3 kiểu hành động chơi khác nhau để tạo nên những trò chơi hấp dẫn, đa dạng.

Xác định luật chơi của trò chơi: Tuỳ thuộc vào nhiệm vụ nhận thức, hành động chơi, đồ dùng, đồ chơi mầm non và kết quả chơi của trò chơi. Luật chơi phải biểu đạt rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ. Và cần thể hiện những việc phải làm và những việc không được làm.

Ví dụ khi chơi trò chơi: Nghe giai điệu đoán tên bài hát, thì luật chơi là trẻ phải nghe và nói đúng tên bài hát, tên tác giả. Nếu trả lời sai thì sẽ mất lượt chơi hoặc bị thua.

Đặt tên trò chơi: Tên cần đơn giản, dễ hiểu, gợi sự vui vẻ, hướng vào nhiệm vụ nhận thức, hành động chơi như : Đố vòng quanh, Con vật ngộ nghĩnh, Bạn chọn quả nào, Ai giỏi hơn… Khi thiết kế xong trò chơi, giáo viên cho trẻ chơi.

Theo dõi quá trình chơi và đánh giá kết quả chơi của trẻ, từ đó giáo viên có thể phát triển trò chơi để chúng trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn thành hệ thống trò chơi mang tính phát triển và có độ mở. Nếu trò chơi không đạt thì chỉnh sửa hoặc loại bỏ. Minh hoạ trò chơi học tập phát triển trí nhớ Ghép lại cho đúng (dành cho trẻ 5- 6 tuổi)

+ Mục đích của trò chơi: Củng cố hiểu biết của trẻ về cây (hoa, quả). Đồng thời phát triển khả năng quan sát và tư duy trực quan sơ đồ.

+ Chuẩn bị: Bức tranh cây (hoa, quả) từ bìa cứng và được cắt thành 5-6 mảnh rời.

+ Cách chơi: Chơi theo cá nhân hoặc nhóm dưới hình thức thi đua. Trẻ ghép các mảnh tranh rời để tạo thành tranh cây (hoa, quả) hoàn chỉnh.

2.3. Tổ chức trò chơi học tập

Xem thêm: 6 trò chơi học tập chо trẻ mầm nоn hɑy và thú vị nhất

2.3.1. Vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức trò chơi học tập

Năng lực tổ chức, cuốn hút trẻ vào trò chơi của giáo viên đóng vai trò quyết định đến kết quả hoạt động giáo dục. Dựa trên lý thuyết “vùng phát triển gần” của L.X.Vưgotxki, thì việc tổ chức trò chơi học tập không đi sau sự phát triển, phụ hoạ cho sự phát triển, mà việc tổ chức trò chơi học tập đó phải đi trước sự phát triển, kéo theo sự phát triển của trẻ.

Do đó với vai trò là “điểm tựa”, “thang đỡ”, là người bạn chơi của trẻ, giáo viên mầm non phải thật sáng tạo, vận dụng khéo léo, linh hoạt các phương pháp, biện pháp tổ chức trẻ chơi nhằm giúp trẻ tích cực, hứng thú, kích thích hoạt động trí tuệ, giúp trẻ giải quyết nhiệm vụ học tập dễ dàng, hiệu quả.

2.3.2. Tổ chức chơi

Có thể nói rằng, tổ chức trò chơi học tập chính là hình thức vận động bên trong của nội dung, chúng gắn liền với hoạt động của giáo viên giúp họ hoàn thành được nhiệm vụ phù hợp với mục đích đã đặt ra.

Khi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi học tập đòi hỏi cô giáo có nghệ thuật sư phạm, có năng lực sư phạm hiểu được hứng thú cũng như ý tưởng của trẻ, có kĩ năng hành động cùng trẻ, và biết cách hướng trẻ tới những ý tưởng mới. Do vậy, việc tổ chức trò chơi học tập được diễn ra theo tiến trình sau:

* Chuẩn bị chơi

– Lập kế hoạch tổ chức chơi

+ Xác định mục đích, yêu cầu

+ Lựa chọn nội dung trò chơi học tập và hình thức tổ chức chơi.

+ Lựa chọn các biện pháp và các phương tiện tiến hành các hoạt động của cô và trẻ trong trò chơi.

– Tạo môi trường chơi

+ Bố trí địa điểm chơi (không gian chơi trong lớp hoặc ngoài lớp).

+ Lựa chọn đồ dùng đồ chơi, vật liệu chơi để trẻ thực hiện trò chơi. Số lượng và kiểu loại đồ chơi tuỳ thuộc vào mục đích, yêu cầu của trò chơi. Số lượng đồ chơi chỉ nên vưa đủ cho trẻ tri giác và hành động; không nên quá nhiều bởi sẽ làm trẻ sao nhãng nhiệm vụ nhận thức. Các phương tiện chơi này phải được sắp xếp ở trạng thái mở để kích thích ý tưởng chơi và tạo hứng thú cho trẻ.

* Hướng dẫn trò chơi

– Gây hứng thú của trẻ đến trò chơi bằng những lời đề nghị, tạo các tình huống, những câu đố, câu thơ…

Phổ biến nội dung, luật chơi và cách tiến hành: Cô hướng dẫn trò chơi, làm mẫu hành động chơi, kèm theo lời giải thích ngắn gọn và hướng trò chơi vào nhiệm vụ nhận thức.

Cho trẻ chơi: Cô theo dõi, bao quát, nhắc nhở trẻ khi chơi. Cô khuyến khích trẻ rụt rè, chú ý đến khả năng trí tuệ của cá nhân.

– Kết thúc cần tạo cho trẻ phấn chấn vì kết quả đã đạt được. Và tạo tâm thế chờ đợi những trò chơi tiếp theo.

* Lưu ý: Trò chơi học tập là một trò chơi có luật với những đặc điểm riêng. Do đó trong quá trình tổ chức cần quan tâm đến một số điều sau:

+ Nhấn mạnh luật chơi để trẻ nắm được trước khi thực hiện nội dung trò chơi. Luật chơi giúp cho người tổ chức, hướng dẫn chơi hướng trẻ vào mục đích mà trò chơi đặt ra, nó qui định việc thực hiện các hành động chơi.

+ Nội dung, mục đích chơi phải có tác dụng đối với sự phát triển tâm lí nói chung và trí tuệ của trẻ.

+ Một trò chơi học tập có thể khai thác được nhiều khía cạnh khác nhau. Với những yêu cầu và qui ước khác nhau. Sự thay đổi cách chơi, luật chơi không chỉ hình thành ở trẻ sự năng động, linh hoạt mà còn gây hứng thú, tránh sự nhàm chán ở trẻ.

Ví dụ: Cùng là phân loại một số loài hoa nhưng hôm nay ta yêu cầu trẻ phân loại theo màu sắc, ngày mai theo hình dạng, hôm sau là theo mùi hương….

* Kiểm tra đánh giá kết quả chơi

Dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ nhận thức. Luật chơi và thái độ của trẻ trong khi chơi, giáo viên tổ chức:

– Cho trẻ được tự đánh giá nhận xét kết quả chơi của mình, của bạn.

– Sau đó giáo viên cần nhận xét, đánh giá kết quả chơi của trẻ một cách công bằng. Tạo cho trẻ tự tin và sự cố gắng hơn ở các trò chơi sau. Kết quả chơi đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Thông qua đó cô giáo điều chỉnh việc thiết kế và tổ chức chơi ở trẻ.

– Tạo cho trẻ tâm thế chờ đợi niềm vui ở những trò chơi tiếp theo.

3. Kết luận

Thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non hiện nay cho thấy, trò chơi học tập được sử dụng như một phương pháp, phương tiện hữu hiệu nhằm phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo nói riêng, giúp trẻ được khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, các trò chơi học tập đã được thiết kế sẵn và có số lượng chưa nhiều, nội dung nghèo nàn, ít hấp dẫn đối với trẻ.

Giáo viên mầm non còn lúng túng trong việc thiết kế và tổ chức trò chơi. Vì vậy việc hướng dẫn thiết kế và tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mẫu giáo giúp giáo viên mầm non chủ động sáng tạo ra các trò chơi phù hợp, hấp dẫn với trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay, tiến tới thực hiện thành công chương trình giáo dục mầm non mới.

Xem thêm: Cách Làm Đồ Chơi Học Toán Cho Trẻ Mầm Non

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Thanh Âm (chủ biên), Trịnh Dân, Nguyễn Thị Hoà (2002), Giáo dục học mầm non (tập 1, 2,3), ĐHSP Hà Nội.
  2. Bộ giáo dục và đào tạo- Vụ GDMN-Trung tâm nghiên cứu GDMN (2001), Hướng dẫn thực hiện
    công tác chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo ( 3-4 tuổi; 4-5 tuổi; 5-6 tuổi), NXB Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Thu Hiền (2008), Trò chơi, thí nghiệm tìm hiểu môi trường thiên nhiên (trẻ 5-6 tuổi),
    NXB Giáo dục.
  4. Nguyễn Thị Thu Hiền (2008), Trò chơi giúp bé làm quen với số và phép đếm, NXB Giáo dục.
  5. Nguyễn Thị Hòa (2009), Phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong trò chơi
    học tập, NXB Đại học Sư phạm.
  6. Trương Thị Xuân Huệ (2001), Phương pháp tổ chức trò chơi học tập nhằm hình thành biểu tượng
    toán ban đầu cho trẻ mẫu giáo lớn, Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Ánh Tuyết (2008), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non (từ lọt lòng đến 6 tuổi), NXB Đại học Sư Phạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây