Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính

0
418
Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính

Hội thi giáo viên dạy giỏi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục. Và để giúp các bạn chuẩn bị thật tốt cho phần thi của mình, bài viết dưới đây Đồ Chơi Hoàng Hà đã tổng hợp một số bài thuyết trình giáo viên dạy giỏi nhà trẻ 24 – 36 tháng tuổi chi tiết nhất.

Chương I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ KHIẾM THÍNH MẦM NON

Bài 1: Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính là một khoa học

1.1. Khái niệm:

Phương pháp phát triển ngôn ngữ (PP PTNN) cho trẻ khiếm thính là một bộ môn sư phạm, dựa trên những nguyên tắc của lý luận dạy học nhằm làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về hệ thống các phương pháp hình thành ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính có thể xem là một môn khoa học thuộc ngôn ngữ học ứng dụng.

Dựa trên cơ sở của ngôn ngữ học và một số ngành khoa học cơ bản khác. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính xác định phương hướng, nội dung, phương pháp trong việc dạy ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính.

1.2. Đối tượng: hệ thống phương pháp hình thành ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính.

  • Quan điểm cơ bản của sự tác động ngôn ngữ (quy luật, điều kiện);
  • Nội dung và cấu tạo ngôn ngữ của trẻ khiếm thính;
  • Các phương pháp giao tiếp đặc biệt của trẻ khiếm thính;
  • Con đường phát triển ngôn ngữ trong điều kiện ngôn ngữ tự nhiên bị cản trở do tổn thương thính giác ở trẻ khiếm thính;

1.3 Nhiệm vụ

  • Xây dựng cơ sở lý luận ban đầu về sự hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính dựa trên những nghiên cứu khoa học về sự phát triển tâm – sinh lý và ngôn ngữ.
  • Phát triển và mở rộng những khái niệm tâm lý, kiến thức về ngôn ngữ và giao tiếp.
  • Xác định nguyên tắc, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp của hoạt động dạy ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính.
  • Tìm hiểu những điều kiện phát triển ngôn ngữ của trẻ bị rối loạn trong phát triển ngôn ngữ do tổn thương thính giác.
  • Nghiên cứu và thực hiện việc xác định mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính từ đó xác định những điều kiện dạy học tương ứng, phân tích chương trình, xây dựng kế hoạch và phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính.
  • Xây dựng hệ thống kỹ năng dạy ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính.
  • Đưa ra quan điểm tối ưu về khả năng của trẻ trong việc lĩnh hội các biện pháp giao tiếp bằng lời và phát triển hoạt động tư duy ngôn ngữ.

2. Mối liên hệ giữa PP PTNN cho trẻ khiếm thính với các ngành khoa học khác

Cũng như các ngành khoa học khác, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính có quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khoa học: triết học, ngôn ngữ học, tâm lý học, tâm lý học, giáo dục học, sinh lý học…

2.1. Mối quan hệ với Triết học Mác – Lê nin

Học thuyết Mác – Lênin đã chỉ ra rằng: Ngôn ngữ bắt đầu từ lao động, bắt nguồn từ nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người trong lao động và trong cuộc sống. Ở trẻ khiếm thính, ngôn ngữ phát triển trong quá trình giao tiếp giữa trẻ với môi trường xung quanh. Trẻ bắt chước mọi người nói và được mọi người dạy.

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính dựa trên quy luật biện chứng, nhìn nhận sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính như sự chuyển đổi từ lượng thành chất. Lúc đầu, ngôn ngữ của trẻ chỉ là những từ riêng lẻ xuất phát từ sự nhận thức thế giới xung quanh, trẻ chưa thể nói thành câu hoàn chỉnh. Qua quá trình tiếp xúc với mọi người, vốn ngôn ngữ của trẻ tăng lên, trẻ học được cách nói được thành câu hoàn chỉnh.

2.2. Mối quan hệ với ngôn ngữ học:

Là một khoa học ngôn ngữ ứng dụng, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính có mối quan hệ khăng khít với ngôn ngữ học. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính nhằm hướng đến mục đích là giúp trẻ nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong đó các yếu tố của ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là nội dung của quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. Nó sẽ quyết định phương pháp và hình thức tổ chức quá trình phát triển ngôn ngữ.

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính phải dựa trên những thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ học để không ngừng cải tiến nội dung và phương pháp dạy nói cho trẻ khiếm thính.

2.3. Mối quan hệ với tâm lý học:

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính sử dụng những thành tựu khoa học của tâm lý học, tâm lý học ngôn ngữ về các quy luật phát triển ngôn ngữ, các giai đoạn phát triển ngôn ngữ, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ em nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng để xây dựng nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, thiết kế môi trường phù hợp, xác định rõ những điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ khiếm thính.

2.4. Mối quan hệ với giáo dục học

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính là một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu các qui luật hoạt động sư phạm nhằm hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. Nó là một bộ phận của giáo dục học trước tuổi học. Cho nên, nó có mối quan hệ mật thiết với giáo dục học.

Cũng như những môn học khác, phương pháp PTNN cho trẻ khiếm thính góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục trẻ. Từ mục tiêu chung đó, phương pháp PTNN cho trẻ khiếm thính xác định mục đích của mình là PTNN cho trẻ khiếm thính để giao tiếp.

Mặc khác, muốn dạy trẻ đạt kết quả, giáo viên phải đảm bảo các nguyên tắc trong giáo dục học như: tính khoa học, tính hệ thống, tính trực quan, nguyên tắc vừa sức tiếp thu và nguyên tắc lý luận kết hợp với thực tiễn.

Phương pháp PTNN cho trẻ khiếm thính phải dựa trên giáo học pháp đại cương để lựa chọn những phương pháp đảm bảo cho sự tích cực của đứa trẻ, lựa chọn những điều kiện PTNN cho trẻ. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính còn sử dụng những thành tựu mới trong lĩnh vực giáo dục học như: Khẳng định việc dạy trẻ ở mọi lúc mọi nơi, kết hợp giữa hình thức làm việc tập thể và làm việc cá nhân.

Tóm lại, giáo dục học là cơ sở để xác định nội dung và phương pháp tốt nhất để dạy trẻ khiếm thính giao tiếp.

2.5. Mối quan hệ với giải phẫu sinh lý:

Mối liên hệ này được coi là cơ sở tự nhiên của PP PTNN cho trẻ khiếm thính.

Học thuyết về các hệ thống tín hiệu đã khẳng định: ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai, là sự hoạt động đặc biệt của vỏ bán cầu đại não. Học thuyết này đảm bảo cho phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính lựa chọn đúng các phương pháp trong việc dạy nói cho trẻ khiếm thính, nhấn mạnh hiệu quả của những phương pháp tích cực: tích cực nhận thức và tích cực thực hành ngôn ngữ.

Chính vì ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai, là sự hoạt động đặc biệt của vỏ bán cầu đại não cho nên việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính phải liên quan mật thiết với việc phát triển, hoàn thiện bán cầu đại não và hệ thần kinh nói chung. Các nhà giải phẫu đã khẳng định: trong ba năm đầu là kết thúc sự trưởng thành về mặt giải phẫu những vùng não chỉ huy ngôn ngữ.

Vì thế, cần phải phát triển ngôn ngữ đúng lúc mới đạt kết quả tốt.
Kết luận: Bộ môn phương pháp PTNN cho trẻ khiếm thính có quan hệ khăng khít với nhiều ngành khoa học khác. Dựa trên cơ sở của các ngành khoa học mà phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính tìm ra những cách đúng nhất để dạy trẻ.

3. Vai trò của ngôn ngữ đối với sự phát triển của trẻ khiếm thính:

Ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người. Nhờ ngôn ngữ mà con người có thể trao đổi với nhau những hiểu biết, truyền cho nhau những kinh nghiệm, tâm sự với nhau những nỗi niềm thầm kín v.v…

Bác Hồ của chúng ta đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng qúy báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, tôn trọng nó”. (Ngôn ngữ và lý luận văn học – Tài liệu dùng trong các trường sư phạm mẫu giáo).

Trong công tác giáo dục thế hệ mầm non cho đất nước, chúng ta càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối với việc giáo dục trẻ thơ. Ngôn ngữ đã góp phần đào tạo trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện.

3.1. Vai trò của ngôn ngữ đối với việc phát triển trí tuệ:

U.Sinxki đã nhận định: “Tiếng mẹ đẻ là cơ sở của mọi sự phát triển, là vốn qúy của mọi tri thức” (Phát triển ngôn ngữ, Nguyên bản tiếng Nga, NXB Matxcơva, tr.3).

Ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ. Trước hết, ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh. Bởi vì, sự phát triển trí tuệ ở trẻ chỉ diễn ra khi trẻ lĩnh hội những tri thức về sự vật và hiện tượng xung quanh. Song sự lĩnh hội những tri thức đó lại không thể thực hiện được khi không có ngôn ngữ.

Ví dụ: Khi dạy trẻ từ “quả cam” chúng ta cho trẻ quan sát, cho trẻ nhận biết về tên gọi, đặc điểm của quả cam đó gắn với các từ tương ứng như quả cam, vỏ cam, múi cam, hạt cam, cam ăn có vị ngọt.

Ngôn ngữ chính là cơ sở của mọi sự suy nghĩ và là công cụ của tư duy. Trẻ em có nhu cầu rất lớn trong việc nhận thức thế giới xung quanh, trong quá trình nhận thức những sự vật và hiện tượng, muốn cho trẻ phân biệt được vật này với vật khác, biết được tên gọi, màu sắc, hình dáng, công dụng và những thuộc tính cơ bản của vật, nếu chỉ cho trẻ xem mà không dùng từ ngữ để giải thích, hướng dẫn và khẳng định những kết quả đã quan sát được thì những tri thức mà trẻ thu được đó nhất định sẽ hời hợt, nông cạn, có khi còn sai lệch hẳn. Trong khi nhận biết các sự vật đó, trẻ phải dùng từ để gọi tên sự vật, tên các chi tiết, đặc điểm, tính chất, công dụng của sự vật, từ đó trẻ biết phân biệt sự vật này với sự vật khác.

Khi đứa trẻ đã lớn. Nhận thức của trẻ phát triển. Trẻ không chỉ có nhận biết những sự vật, hiện tượng gần gũi với trẻ mà trẻ còn muốn biết những sự vật, hiện tượng trẻ không trực tiếp nhìn thấy. Trẻ muốn biết về quá khứ và tương lai. Trẻ muốn biết về công việc của người lớn, của bố mẹ. Trẻ muốn biết về Bác Hồ, về chú bộ đội …

Để đáp ứng nhu cầu nhận thức đó của trẻ, không có cách nào khác là thông qua lời kể của người lớn, thông qua các tác phẩm văn học… có kết hợp hình ảnh trực quan.

Khi đã có một vốn ngôn ngữ nhất định, trẻ sử dụng ngôn ngữ như phương tiện biểu hiện nhận thức của mình. Trẻ có thể dùng lời để diễn đạt những hiểu biết, những suy nghĩ, những cảm xúc của mình. Trẻ hiểu được lời chỉ dẫn của người lớn, của giáo viên thì các hoạt động trí tuệ, các thao tác tư duy của trẻ được chính xác, kích thích trẻ tích cực hoạt động, kích thích trẻ nói và sự hiểu biết của trẻ càng được nâng lên.

Trẻ còn dùng ngôn ngữ để đặt ra muôn vàn câu hỏi, yêu cầu, nguyện vọng, thể hiện biết bao thái độ, tình cảm yêu ghét, thương cảm… Biểu hiện bằng ngôn ngữ giúp cho nhận thức của trẻ đựơc củng cố sâu sắc hơn, tạo cho trẻ được sống trong môi trường có các hoạt động giao tiếp, trên cơ sở đó nảy sinh ra nhiều suy nghĩ sáng tạo mới. Vì vậy, trong các trường mầm non, khi cho trẻ tiến hành các hoạt động vui chơi, lao động, học tập… cần phải tạo điều kiện và kích thích trẻ nói.

Một trong những phương pháp để kiểm tra nhận thức của trẻ là phải thông qua ngôn ngữ.
Rõ ràng ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ. Thông qua ngôn ngữ, trẻ có thể nhận thức thế giới xung quanh một cách sâu rộng, rõ ràng, chính xác. Ngôn ngữ giúp trẻ tích cực sáng tạo trong hoạt động trí tuệ. Vì vậy, việc phát triển trí tuệ cho trẻ không tách rời với sự phát triển ngôn ngữ.

3.2. Vai trò của ngôn ngữ đối với việc giáo dục đạo đức:

Phát triển và hoàn thiện dần ngôn ngữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non không những có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển trí tuệ mà còn có tác dụng quan trọng đối với việc giáo dục tình cảm, đạo đức. Ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt là tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu hiểu biết và lĩnh hội những khái niệm, những quy tắc, những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Tuy mới chỉ là những khái niệm ban đầu nhưng lại vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định đến việc hình thành những nét tính cách riêng biệt của mỗi con người trong tương lai. Muốn cho trẻ hiểu và lĩnh hội được những khái niệm đạo đức này, chúng ta không thể chỉ thông qua những hoạt động cụ thể hoặc những sự vật, hiện tượng trực quan đơn thuần mà phải có ngôn ngữ.

Nhờ có ngôn ngữ mà trẻ có thể thể hiện được gần đầy đủ những nhu cầu, nguyện vọng và tình cảm của mình. Cũng nhờ có ngôn ngữ mà những nhà giáo dục và các bậc cha mẹ có điều kiện hiểu con cháu mình hơn, để từ đó có thể uốn nắn, giáo dục và xây dựng cho trẻ những tình cảm, hành vi đạo đức trong sáng nhất.

Ví dụ: khi trẻ được nghe kể chuyện “Ba cô gái”, trẻ sẽ nhận ra rằng: Cô Cả và Cô Hai không thương mẹ nhiều. Chỉ có Cô Út mới thực lòng thương mẹ và cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Từ đó, trẻ có suy nghĩ và hành động sao cho tốt hơn.

Tóm lại: ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ. Ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ vào việc trang bị cho trẻ dồi dào những hiểu biết về những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, rèn luyện cho trẻ những tình cảm và hành vi đạo đức phù hợp với xã hội mà trẻ đang sống.

3.3. Vai trò của ngôn ngữ đối với việc giáo dục thẩm mỹ:

Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong quá trình tác động có mục đích. Có hệ thống nhằm phát triển ở trẻ năng lực cảm thụ cái đẹp và hiểu đúng đắn cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong nghệ thuật, giáo dục cho trẻ lòng yêu cái đẹp và năng lực tạo ra cái đẹp.

Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày, khi giao tiếp với người lớn, trẻ nhận thức được cái đẹp ở xung quanh, từ đó trẻ có thái độ tôn trọng cái đẹp và tạo ra cái đẹp.

Đặc biệt khi tiếp xúc với những bộ môn nghệ thuật như: âm nhạc, tạo hình, trẻ có thể cảm nhận được những cái đẹp tuyệt vời của cuộc sống qua âm thanh, đường nét… từ đó giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị thẩm mỹ, tâm hồn trẻ sẽ nhạy cảm hơn đối với cái đẹp.

Và khi cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học, trẻ có thể tìm thấy ở đó những hình tượng nhân vật điển hình, mỗi nhân vật mang một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng (những nét đẹp về thể chất và tâm hồn). Từ đó, trẻ tự biết mình phải sống như thế nào?

VD: Khi được nghe người lớn kể chuyện “Tấm Cám”, trẻ tìm thấy ở cô Tấm những nét đẹp bề ngoài và những nét đẹp trong tâm hồn: Hiền lành, đôn hậu, chịu khó, còn cô Cám lười biếng, độc ác, tham lam … trẻ hiểu rằng phải sống đẹp như cô Tấm.

Chúng ta có thể khẳng định rằng ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục cho trẻ những tình cảm thẩm mỹ cao đẹp.

3.4. Vai trò của ngôn ngữ đối với việc phát triển thể lực:

Giáo dục thể lực trong trường MN là quá trình tác động chủ yếu vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ vận động, rèn luyện cơ thể, giữ gìn vệ sinh, tổ chức tốt chế độ sinh hoạt nhằm bảo vệ và làm cho cơ thể trẻ phát triển hài hoà, cân đối, sức khoẻ tăng cường đạt đến trạng thái hoàn thiện về mặt thể chất.

Để giáo dục thể lực cho trẻ, các nhà giáo dục học đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, ngôn ngữ đóng góp một vai trò quan trọng.

Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, giáo viên và người lớn đã dùng ngôn ngữ hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các yêu cầu do mình đề ra, góp phần làm cho cơ thể trẻ phát triển. Đặc biệt, trong các giờ thể dục, giáo viên đã dùng lời, tạo điều kiện giúp trẻ thực hiện chính xác các động tác thể dục làm cho cơ thể trẻ phát triển cân đối.

Ngoài chế độ sinh hoạt hàng ngày, trẻ còn phải được ăn ngon, ăn đủ chất thì cơ thể trẻ mới được phát triển hoàn thiện. Trong khi trẻ ăn, người lớn cần phải dùng ngôn ngữ động viên, kích thích trẻ ăn được nhiều và ăn ngon hơn.

Kết luận: Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện. Sự phát triển chậm trễ về mặt ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Cho nên, các nhà giáo dục cần phải đề ra nhiệm vụ, nội dung, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ đúng lúc và phù hợp với lứa tuổi.

4. Nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính:

4.1. Nhiệm vụ:

  • Hình thành cho trẻ những nhận thức, cảm giác về tiếng mẹ đẻ
  • Giúp trẻ có khả năng phát âm đúng các âm, các thanh tiếng mẹ đẻ, biết sử dụng, sắp xếp từ theo đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, biết diễn đạt mạch lạc ý nghĩ của mình.
  • Chuẩn bị cơ sở cho trẻ học môn tiếng Việt ở cấp 1, giúp trẻ có khả năng thực hành tiếng Việt, biết nhận diện chữ cái ghi âm tiếng Việt, biết ngồi đúng tư thế, biết cách cầm bút khi tập tô chữ cái theo mẫu.

4.2. Nội dung:

  • Luyện cho trẻ phát âm đúng, rõ ràng, biểu cảm âm thanh tiếng mẹ đẻ
  • Làm giàu, củng cố, tích cực hoá vốn từ cho trẻ
  • Giúp trẻ nói đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt
  • Dạy trẻ nói rõ ràng, mạch lạc
  • Giúp trẻ làm quen với chữ cái ghi âm tiếng Việt.

4.3. Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính

Để thực hiện nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính trong trường mầm non, các nhà giáo dục có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Các phương pháp đó được tập trung trong ba nhóm chính sau:

4.3.1. Nhóm phương pháp trực quan:

Nhóm phương pháp trực quan được sử dụng nhằm vào các mục đích sau:

  • Rèn luyện phát âm cho trẻ. Dạy cho trẻ cách thức phát âm.
  • Hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ
  • Củng cố kiến thức, củng cố vốn từ

Trikheeva đã nói: “Ngôn ngữ phát triển bằng con đường trực quan cụ thể”. Cho nên phương pháp trực quan là cần thiết, không thể thiếu được trong việc PTNN.
Trong trường mầm non hiện nay, chúng ta sử dụng các dạng trực quan sau:

4.3.1.1. Trực quan bằng vật thật:

Đó là hình thức cho trẻ được tiếp xúc với vật cụ thể (trẻ được nhìn, được xem, được sờ, nếm, ngửi … vật có trong cuộc sống). Xem xét vật thật giúp trẻ nhận biết, tri giác một cách khái quát và cụ thể từng chi tiết của vật.

Ví dụ: Chúng ta cho trẻ xem xét quả táo thật. Trẻ sẽ có nhận xét: Quả táo trơn, mùi thơm, màu xanh xen lẫn màu đỏ. Khi bổ quả táo, trong quả táo có cả hạt … Khi ăn táo, trẻ sẽ nói táo ngọt (chua).

Tóm lại: Trực quan bằng vật thật giúp trẻ có nhận xét sâu sắc về vật và từ được gọi chính xác với vật.

4.3.1.2. Quan sát:

Là phương pháp dạy trẻ sử dụng những giác quan của mình để tích lũy dần những kinh nghiệm, những hình ảnh, những biểu tượng và kỹ xảo ngôn ngữ. Những bài tập về quan sát phải gắn liền với việc cung cấp các từ để củng cố những điều đã thu lượm được.

Khi tổ chức quan sát, không nên chỉ hướng sự chú ý của trẻ vào các sự vật và hiện tượng riêng lẻ, mà cần phải làm cho trẻ thấy được mối quan hệ giữa chúng. Điều đó giúp trẻ suy nghĩ mạch lạc và biểu hiện những ấn tượng của mình bằng lời nói trôi chảy. Việc vận dụng phương pháp quan sát để làm giàu ngôn ngữ cho trẻ cần phải có hệ thống, kế hoạch. Trẻ lớn hơn, hướng dẫn trẻ kể lại bằng lời kể rõ ràng, mạch lạc hơn.

4.3.1.3. Tham quan:

Là “con đường” đưa các em tới gần vật thể, hiện tượng. Tùy theo từng lứa tuổi, tham quan đi từ những vật thể liên quan tới sinh hoạt cá nhân hàng ngày đến thế giới rộng hơn. Các buổi tham quan cần đạt được yêu cầu sau:

  • Nội dung tham quan phải đáp ứng sở thích của trẻ (sở thích cá nhân, sở thích lứa tuổi), phải phù hợp trình độ phát triển cũng như tâm trạng của trẻ lúc ấy.
  • Phải nắm vững số lượng trẻ trong buổi tham quan.
  • Tổ chức tham quan phải giúp trẻ chú ý đến cái chính, cái trọng tâm của buổi tham quan, không để cho những yếu tố phụ, không trọng tâm làm lạc hướng cái chính trong suy nghĩ của trẻ.
  • Buổi tham quan không nên mang tính chất của buổi học. Nó phải được tổ chức thật sinh động và hấp dẫn. Trẻ không chỉ nhận thức mà còn được vận động, thử nghiệm.
  • Giáo viên phải chuẩn bị kỹ, phải vạch kế hoạch, phải báo trước cho cơ quan cũng như cán bộ nơi đến tham quan biết về tính chất và mức độ của buổi tham quan.
  • Sau buổi tham quan cần tổ chức những biện pháp củng cố các nhận thức và ấn tượng trẻ thu lượm được trong buổi tham quan như trò chuyện, kể lại theo trí nhớ, vẽ tranh …).
  • Số lần tham quan trong năm học phải được sắp xếp có kế hoạch, có cơ sở khoa học. Nếu tổ chức tham quan quá nhiều sẽ làm cho trẻ chán và không hứng thú nhận thức, không hứng thú thể hiện ngôn ngữ.

4.3.1.4. Xem phim:

Là hình thức sử dụng máy móc, thiết bị vào quá trình dạy trong điều kiện cho phép, tạo điều kiện có thể cho trẻ quan sát cảnh vật mà trẻ không thể đi đến nơi xem được, hoặc xem lại cảnh quan trong quá khứ.

Ví dụ: trẻ xem phim về các con vật sống trong rừng hay sống dưới biển.

Nhóm phương pháp trực quan là phương pháp chủ đạo trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì vậy, phương pháp trực quan được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực dạy nói cho trẻ: trên giờ học, ở mọi lúc, mọi nơi.

4.3.2. Nhóm phương pháp dùng lời nói:

4.3.2.1. Đọc thơ (ca dao, tục ngữ, đồng dao) cho trẻ nghe

Thơ ca đến với trẻ từ khi mới ra đời. Thơ ca mang tính nhịp điệu, vần điệu cao. Vì vậy, khi đọc thơ cần đọc chậm rãi vừa phải, chú ý ngắt giọng sau mỗi câu và nhấn vào các từ mang vần. Đọc thơ giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt.

4.3.2.2. Kể và đọc chuyện:

Là phương pháp chủ yếu giúp trẻ làm quen với văn học. Khi đọc, kể chuyện, giáo viên phải thể hiện được tình cảm, sử dụng ngữ điệu giọng nói để bộc lộ được đặc điểm, tình cảm nhân vật. Đọc, kể phải chậm rãi, vừa phải để trẻ lắng nghe được các từ ngữ, câu văn trong truyện.

4.3.2.3. Kể lại chuyện:

Là hình thức cho trẻ kể lại câu chuyện theo mẫu mà trẻ đã được nghe. Kể lại chuyện giúp cho ngôn ngữ mạch lạc của trẻ phát triển và tư duy lôgíc cũng được phát triển.

4.3.2.4. Đàm thoại:

Là cách sử dụng hệ thống câu hỏi và câu trả lời của trẻ, giúp cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Đàm thoại được tiến hành nhẹ nhàng, thoải mái và tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu của trẻ. Đàm thoại có thể bắt đầu với trẻ 3 – 4 tuổi ở lớp bé. Đàm thoại nên tiến hành riêng với từng trẻ, đồ dùng trực quan của đề tài đàm thoại đặt ra trước mặt trẻ …

Câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ lứa tuổi. Mục đích đàm thoại là củng cố và hệ thống hoá bằng công cụ ngôn ngữ những kiến thức mà trẻ đã thu nhận được.

4.3.2.5. Mẫu câu của giáo viên: Mẫu lời nói được sử dụng như một phương pháp khi chỉ cho trẻ cách thức tốt nhất để diễn đạt suy nghĩ của mình.

Ví dụ: Mẫu câu: Chủ ngữ – Vị ngữ – Bổ ngữ

Cháu đi nhà trẻ

C V B

Cháu đi chơi

C V B

Cháu đi công viên

C V B

Mẫu câu còn sử dụng để củng cố, nhắc lại, chính xác hoá từ, câu hay một đoạn văn. Số lượng câu trong mẫu phải phù hợp với khả năng chú ý và trí nhớ của trẻ. Trẻ càng nhỏ, câu càng phải ngắn gọn.

Mẫu câu được sử dụng rộng rãi ở nhà trẻ và trường mẫu giáo (đặc biệt là ở nhà trẻ) trong mọi hình thức dạy. Khi sử dụng mẫu, giáo viên phải chú ý không nhắc lại lỗi sai của trẻ.

4.3.2.6. Câu hỏi để hỏi trẻ:

Câu hỏi được dùng để hỏi trẻ có nhiều loại khác nhau: Câu hỏi hướng sự chú ý của trẻ tới việc nhận thức đối tượng.

Ví dụ: Cái gì đây? … Ngoài ra, còn có loại câu hỏi giúp trẻ tìm kiếm và phát triển kiến thức hay yêu cầu trẻ có nhận xét, kết luận về sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ: Để làm gì? Tại sao? …
Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cô giáo thường đặt câu hỏi kết hợp với trực quan. Trực quan là cơ sở của nhận thức, còn phương pháp dùng lời nói là cách tổ chức cho việc nhận thức của trẻ chính xác hơn.

Ví dụ: Khi cho trẻ quan sát, nhận biết con gà trống, cô đưa tranh con gà trống cho trẻ xem, đặt câu hỏi về con gà trống để trả lời. Sau đó cô dựa vào câu trả lời của trẻ để tóm tắt thành câu chuyện ngắn.

4.3.2.7. Giảng giải:

Là phương pháp dùng lời lẽ để nói cho trẻ hiểu về bản chất, đặc điểm, tính cách… của một vật hoặc một hành động nào đó. GV vận dụng vốn hiểu biết của trẻ để giải nghĩa những từ trẻ chưa biết, giúp cho vốn từ của trẻ phát triển. Giảng giải phải rõ ràng, dễ hiểu, chính xác. Giảng giải chỉ sử dụng khi trẻ không hiểu hoặc chưa hiểu ý nghĩa nội dung của từ, câu, câu chuyện…

Ngoài ra trong nhóm phương pháp dùng lời nói, người ta còn dùng một số hình thức khác: nhắc lại, chỉ bảo, bài tập nói, nhắc nhở… để giúp cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Tùy theo điều kiện mà ta sử dụng hình thức này hay hình thức khác cho phù hợp.

Tóm lại: Trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non, chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó có hai nhóm phương pháp được sử dụng thường xuyên để dạy nói cho trẻ là phương pháp trực quan và phương pháp dùng lời nói.

Nếu như phương pháp trực quan sử dụng để dạy trẻ nhận biết các sự vật, hiện tượng xung quanh thì phương pháp dùng lời nói sử dụng để dạy trẻ biết sử dụng ngôn ngữ, biết diễn đạt sự hiểu biết của mình trên cơ sở trẻ nhận thức được.

4.3.3. Nhóm phương pháp thực hành:

Là nhóm phương pháp sử dụng các trò chơi, các hoạt động của trẻ vào quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

4.3.3.1 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua trò chơi

Ngôn ngữ và tư duy liên hệ chặt chẽ với hoạt động, lao động của con người. Hoạt động chính của trẻ là vui chơi. Vui chơi được thể hiện qua các trò chơi. Trẻ em tích lũy kinh nghiệm qua trò chơi. Từ trò chơi, các em khám phá ra những hiện tượng rồi liên hệ đến từ. Trò chơi kích thích mạnh mẽ đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Trong trò chơi, các em có quan hệ thường xuyên với đồ chơi, nhờ đó mà tên đồ vật, đồ chơi, màu sắc, cấu tạo, công dụng của vật thể dễ được tiếp nhận, dễ được ghi nhớ. Mỗi vật có tên riêng, mỗi hành động có một động từ riêng…

Cho nên, giáo viên cần tổ chức tốt hoạt động chơi, cung cấp đồ dùng, đồ chơi để trẻ có điều kiện tăng cường hoạt động ngôn ngữ, GV đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, theo dõi trò chơi, cung cấp cho trẻ những từ mới, nói chuyện với trẻ, làm phong phú ngôn ngữ cho trẻ. Vui chơi đã tạo điều kiện để trẻ vận dụng vốn ngôn ngữ của mình vào việc giao tiếp với bạn chơi, với vai chơi.

4.3.3.2 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua hoạt động, lao động:

Trong trường mầm non, trẻ được tham gia vào các hoạt động lao động như: Lao động trong thiên nhiên, lao động tự phục vụ. Ở gia đình trẻ được hoà vào lao động, sinh hoạt của người lớn. Qua lao động, trẻ biết được cách làm, cách sử dụng một số công cụ lao động, đồng thời giúp trẻ tiến hành lao động.

Trong lao động, người lớn cần đặt ra yêu cầu cung cấp cho trẻ các từ chỉ sự vật, hiện tượng, từ chỉ tên gọi các dụng cụ lao động, đồ vật, tên các hoạt động lao động … Tất cả các hình thức lao động phù hợp với trẻ đều tạo ra những khả năng làm phong phú ngôn ngữ của trẻ.

5. Các hình thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính:

Các hình thức tổ chức dạy nói cho trẻ ở trường mầm non hiện nay rất đa dạng. Việc dạy nói cho trẻ không tách rời các mặt giáo dục khác. Nó hoà quyện vào nhau chặt chẽ và cùng tồn tại trong các hình thức giáo dục ở các hoạt động của trẻ như: vui chơi, học tập, lao động …

Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Làm Đồ Chơi Học Toán Cho Trẻ Mầm Non

5.1. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua giờ học:

5.1.1. Giờ nhận biết – tập nói (ở lứa tuổi nhà trẻ)

Dạy nhận biết – tập nói là hướng dẫn trẻ quan sát một sự vật, một hiện tượng quen thuộc đối với trẻ. Qua đó hình thành khái niệm ban đầu về sự vật, hiện tượng nhằm mục đích phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Ví dụ: Dạy trẻ nhận biết về quả cam là giúp trẻ nhận biết và gọi tên được quả cam cũng như gọi tên được các bộ phận công dụng của quả cam.

Mỗi một hiện tượng sự vật trẻ vừa lĩnh hội được đều phải củng cố ngay bằng ngôn ngữ. Loại giờ học này tạo nên điều kiện để rèn luyện kỹ năng phát âm, rèn luyện câu theo cấu trúc ngữ pháp và đặc biệt là tăng nhanh vốn từ của trẻ.

5.1.2 Giờ làm quen với môi trường xung quanh (ở lứa tuổi mẫu giáo)

Giờ học làm quen với MTXQ giúp trẻ tiếp xúc với các sự vật hiện tượng, biết được những đặc điểm, cấu tạo, dấu hiệu, hình dạng, chất liệu… của sự vật.

Từ đó hình thành các biểu tượng đúng đắn về các sự vật, hiện tượng xung quanh và trẻ được nói những điều trẻ biết. Như vậy, ở những giờ học này, trẻ được rèn luyện kỹ năng phát âm, rèn luyện câu theo cấu trúc ngữ pháp và vốn từ của trẻ tăng lên rất nhanh, tạo điều kiện phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.

5.1.3 Giờ học làm quen với các tác phẩm văn học.

Giờ học này có tác dụng làm giàu vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc ở trẻ, bồi dưỡng năng lực cảm thụ tác phẩm nghệ thuật và diễn đạt bằng ngôn ngữ văn học.

5.1.4 Các giờ học khác:

Các giờ học “tạo hình”, “làm quen với các biểu tượng về toán học”, “giáo dục âm nhạc”, “giáo dục thể chất”…cũng có tác dụng đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Qua các giờ học đó, trẻ được rèn luyện về mặt phát âm, có thêm nhiều từ mới và hiểu được ý nghĩa của từ. Trẻ được rèn luyện thêm về mặt ngữ pháp. giáo viên còn sử dụng các giờ học này như là một phương tiện để củng cố những ngôn ngữ mà trẻ đã thu nhận được.

5.2. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua các hoạt động ngoài giờ học:

5.2.1 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua các hoạt động vui chơi

Thông qua trò chơi dân gian, các biểu tượng mà trẻ thu nhận trước đây được chính xác hoá bằng ngôn ngữ. Qua trò chơi, trẻ còn tập trung vận dụng các tri thức đã thu nhận được. Trò chơi đã giúp trẻ nhớ ngôn ngữ, đồng thời tạo ra các tình huống để trẻ sử dụng vốn từ ngữ đã tích lũy được.

5.2.2 Phát triển ngôn ngữ qua hoạt động lao động

Trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa phải lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng chúng ta phải giáo dục ý thức lao động cho trẻ, cho trẻ tham gia vào các hoạt động lao động nhẹ nhàng, lao động tự phục vụ mình…

Khi tham gia vào các hoạt động lao động, trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, với đồ dùng lao động, đồ dùng sinh hoạt…

Như vậy, trẻ có điều kiện hình thành các biểu tượng chưa có và khắc sâu các biểu tượng đã có. Từ đó, trẻ sẽ biết sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động lao động. Vốn ngôn ngữ của trẻ sẽ tăng lên.

5.2.3 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong dạo chơi, tham quan

Dạo chơi, tham quan có tác dụng rất tốt đối với việc mở rộng tầm hiểu biết của trẻ. Vì vậy, dạo chơi, tham quan có tác dụng to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

5.2.4 Phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày

Ngoài các giờ học, giờ chơi, giờ lao động… trẻ còn có giờ ăn, giờ ngủ, giờ vệ sinh. Ở những giờ này, giáo viên cũng có thể dạy nói cho trẻ. Trong khi giúp trẻ tiến hành công việc hàng ngày, GV cần lựa chọn nội dung thích hợp, cần nói tên những công việc hàng ngày của mình, nói tên các sự vật liên quan đến công việc đó cho trẻ biết.

Tóm lại: Việc giáo dục ngôn ngữ cho trẻ trong trường mầm non là một nhiệm vụ cơ bản, thiết thực. Những người làm công tác giáo dục ở lứa tuổi mầm non phải biết tận dụng mọi hình thức dạy trẻ nói, dạy nói trên giờ học và dạy nói ở mọi lúc, mọi nơi để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

6. Những phương tiện và điều kiện thực hiện chương trình:

6.1. Yêu cầu đối với giáo viên và người lớn xung quanh trẻ:

6.1.1 Những yêu cầu đối với giáo viên:

Giáo viên đóng vai trò qua trọng trong việc thực hiện nội dung, nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ cho trẻ nên giáo viên cần phải được chuẩn bị và rèn luyện tốt. Để dạy nói cho trẻ, trước hết GV cần phải biết và nắm thật vững tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của giáo viên phải mẫu mực.

Ngoài những yêu cầu về ngôn ngữ, giáo viên cần phải biết về đặc điểm tâm lý trẻ, về phương pháp giáo dục trẻ nói chung cũng như phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ nói riêng, GV phải nắm vững mục đích, nhiệm vụ, nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ và có khả năng thực hiện những nhiệm vụ và nội dung đó.

Ngoài ra, giáo viên cần phải được rèn luyện những kỹ năng thực hành cần thiết như biết giao tiếp với trẻ, biết tổ chức cho trẻ chơi, biết lên kế hoạch công việc, biết điều khiển các hoạt động của trẻ trong ngày … và cuối cùng, Giáo viên phải là người thực sự yêu thương trẻ, yêu nghề nghiệp của mình.

6.1.2. Những yêu cầu đối với người lớn xung quanh trẻ:

Nhiệm vụ giáo dục ngôn ngữ cho trẻ không phải chỉ là công việc của cô giáo mà là công việc của tất cả những người có quan hệ giao tiếp với trẻ (giáo dục không chỉ là công việc của nhà trường mà là của toàn bộ xã hội). Cho nên người lớn phải có ý thức trong công việc này: ngôn ngữ phải chính xác, không ngọng, không lắp, lời nói phải có văn hoá lịch thiệp để làm gương cho trẻ bắt chước. Mặt khác, người lớn phải có ý thức sửa sai cho trẻ.

Gia đình có vai trò đặc biệt trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong đó phải kế đến vai trò của người mẹ. Chính người mẹ đã đặt cơ sở cho những thói quen đầu tiên trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Ngoài ra, các thành viên khác cũng cần quan tâm đến những nhiệm vụ PTNN cho trẻ như: ông, bà, bố, anh, chị …

Giữa gia đình và nhà trường phải có mối liên hệ chặt chẽ, cùng phối hợp để thực hiện chương trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách hiệu quả.

6.2. Chế độ sinh hoạt hàng ngày:

Tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày là yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ có hiệu quả. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ, Giáo viên cần tăng cường hoạt động ngôn ngữ, tăng cường nói chuyện giao tiếp với trẻ, tạo môi trường ngôn ngữ để trẻ được thực hiện trong mọi tình huống khác nhau. Trẻ phải được thoải mái, sung sướng và tự tin. Có như vậy mới kích thích được trẻ nói, ngôn ngữ của trẻ mới được rèn luyện và phát triển.

6.3. Cơ sở vật chất:

Cơ sở vật chất đầu tiên sử dụng để dạy trẻ nói phải kể đến môi trường thiên nhiên. Đó là môi trường tự nhiên tốt nhất. Nó có tác dụng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và làm giàu ngôn ngữ cho trẻ. Ngoài ra, GV sử dụng những điều kiện sẵn có ở địa phương như: danh lam thắng cảnh, công trình văn hoá… nhằm mở rộng hiểu biết và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Các trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong trường mầm non như đồ chơi mầm non, tranh ảnh, phim đèn chiếu… cũng là cơ sở vật chất hết sức quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong nhà trẻ và nhà trường mẫu giáo cần chuẩn bị tốt nhất các phương tiện, đồ dùng dạy học phục vụ cho nhiệm vụ PTNN.

Kết luận: Phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong trường mầm non. Là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Những người làm công tác giáo dục trong trường mầm non cần nắm vững nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và các hình thức dạy trẻ nói.

Còn nữa………..

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây