Một số biện pháp rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non 3 4 tuổi

0
669
Một số biện pháp rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non 3 4 tuổi

BIỆN PHÁP RÈN KỸ NĂNG GIAO TIẾP CHO TRẺ 3 – 4 TUỔI.

Dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non là việc rất cần thiết và quan trọng. Thầy cô và các bậc phụ huynh cần chú trọng giúp con hình thành kỹ năng này từ sớm. Nhờ đó, các bé sẽ có hành trang vững chắc vào đời. Việc giúp các bé hình thành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ.

I. Lý do chọn đề tài:

Tự tin trong giao tiếp rất cần thiết cho trẻ ngay từ bậc học mầm non. Ngay từ khi bé chào đời giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Trẻ giao tiếp qua ánh mắt, qua các cử động của tay chân và đặc biệt là qua tiếng khóc…

Nó là điều kiện cơ bản để phát triển trí tuệ và phát triển cả về mặt ngôn ngữ và nhận thức xã hội của trẻ. Trẻ muốn giao tiếp tốt phải có ngôn ngữ phong phú, đa dạng, hiểu biết nhiều….

Và tự tin trong giao tiếp giúp trẻ mạnh dạn trao đổi với mọi người, có thể tự đề xuất. Hoặc nói lên những mong muốn của bản thân hoặc ý kiến của mình với người khác. Điều quan trọng nhất, nó giúp trẻ có thể mở lòng mình để tâm sự. Sẻ chia cùng mọi người, và điều này cũng giúp cô có thể hiểu về trẻ nhiều hơn.

Năm 2020 – 2021, tôi dạy lớp mầm 2, với sĩ số trẻ là 30 trẻ. Đa số trẻ mới đến trường lần đầu tiên, không được học từ nhà trẻ. Do đó, trẻ 3 – 4 tuổi năm nay do tôi phụ trách rất nhút nhát, khóc nhè, không chịu đến lớp. Và dĩ nhiên sẽ không mạnh dạn tự tin khi giao tiếp với các bạn, với cô vì còn sợ sệt.

Tuy cùng một độ tuổi nhưng khả năng hoà nhập của các trẻ khác nhau:

Một số bé còn nhút nhát, một số bé đi học chưa đều, do sức khoẻ hoặc hạn chế về thể chất, một số bé lại quá hiếu động. Đó cũng là vấn đề mà nhiều cha mẹ phải lo lắng vì bé ở nhà ít giao tiếp với người xung quanh, nếu có thì lại rất nhút nhát.

Kết quả khảo sát khả năng giao tiếp của trẻ ngay từ đầu năm học với trẻ 3-4 tuổi tại lớp tôi như sau:

STT NỘI DUNG Tổng số trẻ Số trẻ đạt Tỉ lệ

%

1 Trẻ mạnh dạn chủ động chào hỏi cô và bạn khi đến lớp 30 10 33,33%
2 Trẻ biết thể hiện nhu cầu, cảm xúc của của bản thân tại lớp 30 10 33,33%
3 Trẻ biết thể hiện những cử chỉ khi giao tiếp. 30 10 33,33%
4 Trẻ biết lắng nghe người khác nói và trả lời lại người khác đúng ý. 30 12 40%

Bản thân tôi là giáo viên đã hơn 3 năm liền phụ trách dạy lớp mầm, tôi đã suy nghĩ làm cách nào để rèn cho trẻ 3-4 tuổi mạnh dạn tự tin trong giao tiếp với bạn bè, với cô và mọi người xung quanh và việc đó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng học tập của trẻ tại lớp. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài:“ một số biện pháp rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ 3 4 tuổi

II. Nội dung biện pháp:

1. Biện pháp 1: Tạo môi trường lớp học thân thiện

Năm học 2020 – 2021 là năm học chú trọng tạo môi trường giao tiếp cởi mở nhẹ nhàng, kích thích trẻ dần dần mạnh dạn và chủ động giao tiếp với cô. Thay vì tâm thế nhõng nhẽo, mếu máo khi rời bố mẹ, những đứa trẻ chỉ hơn 3 tuổi nhanh chóng và đầy hứng khởi khi chào cô theo nhiều cách khác biệt, rồi vui vẻ chạy vào lớp.

Nhìn trẻ chủ động vươn người lên đập tay, bắt tay hoặc sà vào lòng cô giáo khi vừa đến cửa, các phụ huynh cũng nhoẻn miệng cười yên tâm rời lớp. Hình thức chào hỏi thân thiện này cũng kích thích cảm xúc tích cực cho trẻ trong ngày, vui vẻ, tạo sự mạnh dạn cho trẻ nhiều hơn.

Tạo môi trường lớp học thân thiện rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

Đồng thời, tôi cũng bố trí môi trường trong lớp kích thích trẻ. Sắp xếp đồ chơi mầm non gọn gàng, trẻ dễ lấy chơi với bạn.

Bởi vì trẻ rất nhút nhát nên lúc đầu tôi thường phải đưa ra những luật chơi chẳng hạn 2 bạn sẽ chơi cùng nhau, điều này giúp trẻ dần dần giao tiếp và trò chuyện cùng nhau khi chơi, khoảng cách giữa các bé sẽ ngắn dần.

Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ đến từng nhóm chơi trò chuyện, gợi hỏi trẻ những trò chơi mà chúng đang có ý tưởng chơi, trẻ sẽ gần gũi, không sợ sệt nữa.

2. Biện pháp 2: Trò chuyện nhiều cùng trẻ

Đa số trẻ lớp tôi năm học này mới ra lớp nên nhiều cháu nhút nhát, không tự tin tham gia các hoạt động ở trong lớp. Để thu hút sự chú ý của các cháu, trước tiên chúng tôi tìm hiểu mong muốn, sở thích của các bé và cùng bé đề ra những quy định chung của lớp như “Mạnh dạn tham gia chơi với bạn, đoàn kết với các bạn, nhường đồ chơi cho bạn” vào thứ hai hàng tuần.

Đến cuối tuần chúng tôi tập trung trẻ lại cho trẻ tự nhận xét xem mình đã thực hiện tốt nội quy chưa. Bé nào tiến bộ sẽ được gắn một ngôi sao trên trán, được cô ghi tên ở bảng vàng bé ngoan của lớp, còn những bé chưa thực hiện được tốt nội quy thì vẫn phải phấn đấu bao giờ ngoan mới được thưởng.

Trò chuyện nhiều cùng trẻ

Thông qua các giờ đón, trả trẻ, những lúc rảnh rỗi, tôi sẽ tìm cách trò chuyện, hỏi han các con, tôi sẽ tự kể về những kỷ niệm vui buồn của bản thân mình để trẻ gần gũi với tôi. Từ đó tôi dần dần gợi hỏi trẻ, kích thích trẻ kể về bản thân mình trước lớp, trước các bạn và các cô. Trẻ sẽ dần dần tự tin hơn trong giao tiếp.

Khi trò chuyện cùng trẻ, tôi sẽ đặt các câu hỏi mở khuyến khích trẻ trả lời như:

  • Vì sao bạn Hoàng Duy thích chơi trò chơi này?
  • Đã bao giờ con được đi chơi xa cùng ba mẹ chưa?
  • Tận dụng các tình huống trẻ trong lớp ví dụ một trẻ bị ngã chẳng hạn. Tôi sẽ đặt câu hỏi cho trẻ là “Điều gì đã xảy ra với con?”

3. Biện pháp 3: Luôn luôn vui vẻ khi ở bên trẻ

Không phải lúc nào cô cũng có thể tươi cười, nhưng sự không vui và buồn chán có thể lây sang trẻ. Thực tế, có một lần đầu năm học, tôi bị ốm nên người rất mệt mỏi, buồn thì tôi nhận thấy hôm đó trẻ cũng buồn và không dám trò chuyện cùng tôi. Bởi trẻ luôn coi cô là tấm gương phản chiếu chính những cảm xúc của chúng. Nếu cô giáo đang lo lắng, buồn sầu chắc chắn sẽ không thể thể hiện được những điều tốt đẹp.

Nụ cười có thể đưa tôi và trẻ đến gần nhau hơn. Mỗi khi trẻ làm sai một cái gì đó, nếu tôi nở một nụ cười và trò chuyện giúp bé hiểu lỗi sai và khắc phục sẽ hiệu quả hơn cô trừng mắt và la mắng trẻ, trẻ sẽ không biết trẻ sai chỗ nào, mà còn làm trẻ sợ, không dám kể với cô tại sao như vậy. Vì vậy khi ở bên trẻ cô giáo nên cố gắng tạo tâm lí vui vẻ để trẻ cảm thấy an toàn và vui. Khi đó chắc chắn trẻ sẽ tham gia hoạt động tích cực và nói ra nhu cầu của bản thân trẻ cùng cô.

Đồng thời luôn tận dụng những kỷ niệm của trẻ để tạo ra cho trẻ ngày càng gần nhau hơn, quan tâm, hỏi han, chia sẻ vui buồn với bạn nhiều hơn. Chẳng hạn thông qua tổ chức ngày sinh nhật cho trẻ tại lớp, tôi thấy trẻ rất vui, các con trong lớp ngày càng có kỹ năng chung vui, chúc mừng sinh nhật của bạn, chia sẻ niềm vui với bạn qua những tấm hình. Sau khi tôi chụp xong sẽ mang lên trình chiếu lên smart tivi cho cả lớp cùng xem lại kỷ niệm vừa trải qua

4. Biện pháp 4: Tạo ra các tình huống có vấn đề

Nhằm giúp trẻ tham gia các tình huống có vấn đề trong cuộc sống hằng ngày để trẻ phải động não, nói, giao tiếp và tương tác với cô giáo và các bạn. Thúc đẩy quá trình phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ. Khi bắt buộc phải tham gia giải quyết các tình huống có vấn đề giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với cô giáo và các bạn trong lớp.

Các tình huống mà tôi tạo ra đảm bảo tính đa dạng và được phân bố dải đều ở tất cả các hoạt động hằng ngày của trẻ ở trường bao gồm: tình huống trong giờ đón, giờ học, giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi, giờ trả trẻ… Ở mỗi tình huống có vấn đề giáo viên kết hợp giao nhiệm vụ cụ thể để yêu cầu trẻ giải quyết.

Như vậy, trẻ thấy mình có vai trò quan trọng, trẻ sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn, khi nhiệm vụ được hoàn thành trẻ sẽ thấy tự tin và thấy được vai trò của mình, lúc đó trẻ sẽ chia sẻ với những người xung quanh, trẻ có được sự trải nghiệm bằng chính sự nỗ lực của mình.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ trẻ sẽ có những thao tác nhất định và khi trình bày một vấn đề hay hoạt động vui chơi nào đó trẻ sẽ liên tưởng đến công việc mình đã từng làm và từ đó giúp trẻ hình thành những khái niệm do chính trẻ xây dựng được, trẻ sẽ tích cực giao tiếp hơn.

rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

Lớp tôi có nhiều cháu rất ít khi nói chuyện với bạn và cô giáo, nếu nói thì bạn nói rất nhỏ (rất rụt rè). Biện pháp đưa ra là cô giáo thường xuyên gọi các bé đó lên trả lời một số câu hỏi dễ. Đồng thời cũng như giao cho bé phối hợp cùng 1 trẻ khác để hoàn thành một nhiệm vụ cô giao cho. Chẳng hạn như cùng cô chia bát thìa cho bạn, cùng cô lấy nệm, gối cho bạn ngủ, cùng cô vệ sinh các kệ lớp hàng tuần…

Khi trẻ hoàn thành tốt với thái độ hợp tác cô tăng dần số lần giao nhiệm vụ trong ngày lên cho trẻ thấy mình rất quan trọng với cô giáo và mình làm giúp cô rất nhiều việc. Từ đó trẻ thấy tự tin và mạnh dạn giao tiếp với cô hơn

Hoặc đối với các phim hoạt hình trẻ đã quen, có hứng thú. Tôi hỏi trẻ về các nhân vật trong phim ( phim Heo pegpa, Tom và jerry, Doreamon,..): “Con thích nhân vật nào trong phim Heo pegpa?”; “Doreamon có những điều thần kỳ gì?,… Có thể cho trẻ xem một đoạn phim ngắn và mời 2 trẻ thể hiện về 2 nhân vật trong phim hoạt hình. Điều đó giúp trẻ giao tiếp với nhau nhiều hơn.

rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

Trong giờ làm quen văn học, sau khi tôi kể chuyện hoặc dạy cho trẻ các bài thơ xong. Tôi đã đặt các câu hỏi mở cho trẻ. Chẳng hạn kể cho trẻ truyện cáo thỏ và gà trống, tôi đã đặt các câu hỏi sau như. Nếu là con, con có cho cáo vào ở nhà của mình không? Nếu cáo đuổi đi thì con sẽ làm sao? Tôi sẽ cho trẻ thảo luận nhóm, hoặc động viên từng trẻ nói lên ý kiến của mình. Nếu trẻ chưa trả lời được, tôi sẽ trò chuyện với trẻ trong các hoạt động khác, để trẻ mạnh dạn tự tin giao tiếp trước lớp, trước các bạn.

Tôi làm hành động, cử chỉ, thái độ nào đó thay bằng lời nói. (thể hiện bằng nét mặt, các giác quan bộ phận cơ thể ) để cho trẻ xem cô đang làm hành động gì? (chẳng hạn lau mặt, giặt quần áo – giặt chiếu, đang quét nhà, đang bế em, đang ăn cơm, đang ngủ, đang hát, đang ngạc nhiên, đang tức giận, đang thích thú – vui vẻ, đang buồn…). Và tôi có thể yêu cầu trẻ làm lại hành động đó hoặc làm một hành động khác nào đó. Để cô và cả lớp đoán xem đó là hành động, thái độ gì.

5. Biện pháp 5: Sử dụng một số trò chơi để rèn trẻ mạnh dạn tự tin khi giao tiếp thể hiện bản thân với cô và các bạn.

a. Trò chơi “Bạn hãy làm giống tôi”

Tạo cho trẻ cơ hội nhớ tên của nhau một cách tự nhiên, phát triển mạnh dạn tự tin của trẻ đến các hoạt động tập thể. Trò chơi này tổ chức cho trẻ vào đầu năm học để trẻ mạnh dạn và hiểu bạn nhiều hơn.

Cô và trẻ ngồi thành vòng tròn. Tôi tự giới thiệu tên của mình (Chào các bạn, cô tên là Yến Nhi) sau đó ném bóng cho một trẻ bất kỳ. Trẻ nhận được bóng từ cô giáo sẽ nói tên mình. Cứ như vậy cho đến khi tất cả các trẻ nhớ tên nhau. Lúc đầu trẻ sẽ còn nhút nhát, chưa dám giới thiệu, tôi đã đến giúp trẻ cách giới thiệu, và mời trẻ giới thiệu lại trước các bạn. Đối với những trẻ mạnh dạn, tôi mời trẻ đứng lên giới thiệu tên của mình.

Đối với những trẻ mạnh dạn, cô có thể cho trẻ thực hiện một hành động nào đó cho cả lớp làm theo.

b. Trò chơi “Đoán đồ vật”

Tôi đã sử dụng trò chơi này vì đây là một trò chơi vui nhộn cho trẻ luyện tập sức mạnh của diễn tả. Tôi đã cắt một cái lỗ trong một cái hộp vừa tay để trẻ thọc vào. Sau đó đặt một đồ vật trong chiếc hộp và yêu cầu trẻ diễn tả cảm giác về đồ vật ấy. Cả lớp sẽ thay phiên nhau đoán đó là đồ vật gì.

Chẳng hạn: Với chủ đề bản thân, tôi sẽ để các dụng cụ của cá nhân trẻ cần như bàn chải, khăn, ca, kem đánh răng, lược, nón, bàn chải đánh răng, …. Tôi sẽ cho tất cả đồ vật vào chiếc hộp. Sau đó mời lần lượt từng trẻ lên sờ và đoán một đồ vật trong hộp như thế nào khi trẻ sờ vào nó, nó là đồ vật gì, dùng để làm gì. Sẽ có nhiều trẻ nhút nhát chưa mạnh dạn chia sẻ cùng cô và các bạn, lúc này tôi sẽ gợi ý để trẻ tự tin nói và kể về đồ vật trẻ sờ được.

c. Tổ chức một số trò chơi tập thể phù hợp cho trẻ

Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động chơi đóng vai trò chủ đạo, chơi chính là cuộc sống của trẻ. Thông qua trò chơi, trẻ được lĩnh hội và rèn luyện những kỹ năng sống cho trẻ mầm non một cách tự nhiên và hứng thú, rèn cho trẻ mạnh dạn giao tiếp cùng bạn bè của mình. Tất cả những điều này tác động một cách tích cực lên trẻ. Làm cho trẻ mầm non cảm thấy hứng thú muốn đến trường, muốn giao tiếp với cô, bạn bè.

Tôi đã tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi như.

  • Trò chơi Lộn cầu vồng
  • Trò chơi truyền tin
  • Trò chơi trán – cằm – tai, mắt – mũi – miệng
  • Trò chơi kéo co
  • Trò chơi mèo đuổi chuột,…..

Sau mỗi trò chơi, tôi mời trẻ nêu những gì trẻ không thích và thích trong từng trò chơi. Kể lại những chiến thắng của đội, gợi hỏi trẻ nêu nguyên nhân vì sao mình thắng hay thua, …. Các trẻ sẽ dần mạnh dạn nói với nhau trong đội phải cố gắng lần sau. Hoặc là mong muốn bạn nào đó chơi hay hơn, để đội mình chiến thắng.

III/ Kết quả:

Qua một thời gian thực hiện tôi thực hiện biện pháp, tới thời điểm này. Trẻ có lớp tôi đã có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp. Thân thiết nhau hơn, không còn khóc nhè nữa. Không những thế các bé còn mạnh dạn chào hỏi, giao lưu với cô giáo và bạn bè, người thân. So sánh với số liệu khảo sát đầu năm đã đạt được những kết quả như sau:

STT NỘI DUNG Tổng số trẻ Số trẻ đạt đầu năm Số trẻ đạt hiện tại Tỉ lệ

%

1 Trẻ mạnh dạn chủ động chào hỏi cô và bạn khi đến lớp 30 10 20 66,66%
2 Trẻ biết thể hiện nhu cầu, cảm xúc của của bản thân tại lớp 30 10 20 66,66%
3 Trẻ biết thể hiện những cử chỉ khi giao tiếp. 30 10 21 70%
4 Trẻ biết lắng nghe người khác nói và trả lời lại người khác đúng ý. 30 12 22 73,33%

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây